Quy định phạt chủ hàng tại chung cư khiến nhiều người dân bức xúc |
Sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh hoảng có thể bị phạt 60 triệu đồng, còn xây nhà trái phép chỉ cần nộp 3 triệu đồng là được tồn tại.
“Phạt để làm gì?”
Bà Liên, chủ quán càfe - Karaoke “Linh Linh” tại nhà A14 Nghĩa Tân bức xúc đặt câu hỏi trên khi được biết sắp bị xử phạt tới 50 - 60 triệu đồng vì đã xử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP về vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà ở. “Chúng tôi kinh doanh bao năm nay có giấy phép hẳn hoi, nay chẳng vi phạm gì thì hà cớ gì mà phạt”, bà Liên nói và cho rằng, cả TP. Hà Nội này có hàng ngàn người kinh doanh như bà.
Bức xúc không kém, ông Tiến bán hàng ăn uống tại nhà A12 Nghĩa Tân cho biết, cả gia đình ông cùng mấy đứa cháu ở quê lên đang sống nhờ vào quán hàng này, nay bị phạt tới từng ấy tiền thì hết vốn làm ăn. Chỉ sang Làng quốc tế Thăng Long trước mặt, ông Tiến bảo, tất cả những tòa nhà đó đều được thiết kế tầng 1 để làm siêu thị, nhà hàng phục vụ cư dân, vậy họ vi phạm gì mà phạt?
Quả thật, dạo một vòng qua nhiều khu chung cư cả cũ và mới như Trung Hòa – Nhân Chính, Mỹ Đình, Phạm Hùng, Nguyễn Công Trứ, Định Công…, thì thấy, đại đa số các tòa nhà đều có hoạt động kinh doanh tại tầng 1.
Điều mà người dân bức xúc nhất là quy định “mập mờ” về lý do xử phạt. Chủ 1 nhà hàng càfe - cơm văn phòng tại chung cư trên đường Nguyễn Chí Thanh cho biết, chị đã thuê dài hạn và trả tiền trước 3 năm để mở nhà hàng này. Từ khi hoạt động đến nay đều tuân thủ tốt các quy định nên chưa lần nào bị nhắc nhở hay xử phạt gì.
“Tôi chẳng sai phạm gì mà bị phạt thì dứt khoát tôi không nộp”, chị nói và cho rằng, cơ quan chức năng đang “bày đặt để hành dân” vì “không sai cũng phạt, phạt rồi lại cho hoạt động tiếp là cớ làm sao?”.
Nhiều người dân kiến nghị, để xử lý vấn đề trên, Bộ Xây dựng nên tính đến việc quy định điều kiện cụ thể nhà ở như thế nào thì có thể được sử dụng cho mục đích sản xuất - kinh doanh; loại hình ngành nghề, quy mô hoạt động sản xuất - kinh doanh được phép tiến hành tại nhà ở; các đòi hỏi cụ thể mà chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh phải đáp ứng trong quá trình kinh doanh tại nơi nhà ở đó. Nếu không đáp ứng đầy đủ với điều kiện trên sẽ bị phạt thì mới thuyết phục.
“Khuyến khích “xây nhà” không phép”
Trái với bức xúc trên, Nghị định 121 lại mở ra cơ hội cho những người có ý định xây nhà nhưng không muốn làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng.
Cụ thể, đối với trường hợp nhà xây dựng không phép (xây trên đất ở) mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì có thể được xem xét cho tồn tại khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng không phép.
Sau khi chủ nhà hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng để chủ nhà có thể tiến hành thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật.
Với mức phạt từ 3 - 5 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn; từ 10 - 15 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị, nhiều người cho rằng “quá rẻ” nếu tính chi phí để đi xin giấy phép xây dựng như hiện nay.
“Số tiền nộp phạt là quá ít, trong khi việc xác định 40% giá trị phần xây dựng không phép thì có thể “thương lượng” được, nên chắc chắn việc xây nhà không phép thời gian tới sẽ tăng lên”, một chủ thầu xây dựng nhận xét.
Một chuyên gia Bộ Xây dựng cho biết, việc quy định nộp tiền để được tồn tại các công trình trái phép này xuất phát từ thực tế, nhiều địa phương không thể tháo dỡ được các công trình xây dựng vi phạm vì nhiều lý do, các công trình vẫn tồn tại, trong khi cơ quan nhà nước lại không thu được khoản tiền nào.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng đang khẩn trương soạn thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 121 để có thể ban hành kịp thời khi Nghị định có hiệu lực (30/11/2013). Thông tư này cũng sẽ bám sát quy định của Nghị định là hành vi vi phạm hành chính đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng chưa thực hiện thì tiếp tục thực hiện hoặc cưỡng chế thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đối với hành vi xây dựng không phép, sai phép, sai thiết kế được phê duyệt theo quy định của Nghị định số 23/2009 mà đã ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ, nhưng đến ngày Nghị định 121 có hiệu lực vẫn chưa thực hiện, thì cơ quan, người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ xem xét, xử lý theo quy định tại Nghị định 121.
THS-LS. Trương Anh Tuấn, Văn phòng Luật sư Investlinkco: “Nhiều điểm của Nghị định 121 chưa hợp lý” Quy định tại khoản 3 Điều 55 của Nghị định 121/2013/NĐ-CP nêu 5 nhóm hành vi bị xử phạt hành chính. Theo tôi, có 3 nhóm hành vi tại khoản này không hợp lý là: a) Kinh doanh nhà hàng, karaoke, vũ trường; b) Sửa chữa xe máy; kinh doanh gia súc, gia cầm; hoạt động giết mổ gia súc; đ) Kinh doanh gas hoặc các vật liệu nổ, dễ cháy. Bởi vì, quyền sở hữu tài sản bao gồm quyền quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản. Những quy định về hạn chế quyền sở hữu được quy định tại Chương XVI: Những quy định khác về quyền sở hữu, từ Điều 262 đến Điều 279 của Bộ luật Dân sự. Nếu Nghị định 121 quy định như trên là bổ sung vào những hạn chế của Bộ luật Dân sự, như vậy, một Nghị định có chức năng như một luật là chưa phù hợp. Tuy nhiên, nếu những ngành nghề trên quy định là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện và một trong những điều kiện để được cấp phép, kinh doanh là không được sử dụng nhà chung cư thì đó là hợp lý. Vì đó là chức năng kinh doanh của một ngành nghề.. Vì vậy, cần nhìn nhận quyền tài sản và điều kiện kinh doanh ở góc độ khác nhau thì mới có cách xử lý phù hợp. Tránh trường hợp như trước đây, vì một công văn của Bộ Xây dựng không cho sử dụng nhà chung cư để đăng ký kinh doanh, mà hàng nghìn chủ DN đã không sử dụng được nhà chung cư của mình để kinh doanh, phát triển kinh tế. |
Theo Lao động