Phát huy vai trò của trường ĐH ở địa phương: Cần chính sách phù hợp

GD&TĐ - Trường ĐH được thành lập trên địa bàn các tỉnh/thành không phải là đô thị trọng điểm như Hà Nội và TPHCM rất cần sự hỗ trợ về mặt chính sách đến từ nhiều phía. Lí do bởi các cơ sở giáo dục ĐH này đang thực hiện sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ và chuyển giao công nghệ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hoạt động nghiên cứu ở trường ĐH địa phương
Hoạt động nghiên cứu ở trường ĐH địa phương

Phải nỗ lực rất lớn

Một ĐH địa phương muốn khẳng định vị thế của mình phải nỗ lực gấp nhiều lần. ĐH Kiên Giang được thành lập theo Quyết định số 758/QĐ-TTg ngày 21/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở phân hiệu của Trường ĐH Nha Trang tại Kiên Giang. Ngay từ những ngày đầu thành lập, lãnh đạo nhà trường đối mặt với hàng loạt khó khăn vì không có nhiều mô hình chuẩn để tham khảo.

Xét về khía cạnh quản lý, thống kê cho thấy, có rất ít ĐH địa phương tự chủ về mặt tài chính lẫn học thuật. Nếu chưa tự chủ được thì vẫn còn cơ chế “xin - cho”, định mức chi vẫn tuân thủ theo quy định, ảnh hưởng đến khả năng thu hút nguồn nhân lực. Đứng trước khó khăn, ĐH Kiên Giang phải tính tới việc liên kết với các trường ĐH khác của Mỹ, Anh, Hà Lan, Indonesia và tìm cách kết nối để giáo sư của các trường này giảng dạy cho sinh viên ĐH Kiên Giang theo phương thức trực tuyến.

Với đặc thù vùng biên giới - hải đảo, ĐH Kiên Giang không thể bỏ qua chiến lược hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và trao đổi sinh viên với nhiều trường ĐH nước láng giềng như ĐH Hoàng gia Phnom Penh, Đại học Chea Sim Kamchaymear, Bộ Giáo dục và Đại học Quốc gia Lào…

Kiên Giang là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của cả nước, nhu cầu về nguồn nhân lực là rất lớn, do đó, với quy mô tuyển sinh như hiện nay là 1.300 sinh viên/năm cho 14 ngành đào tạo, nhà trường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của địa phương về số lượng, đặc biệt là Phú Quốc. Để thu hút sinh viên theo học, nhà trường bắt buộc phải nâng cao uy tín bằng cách bảo đảm chất lượng giáo dục và tạo ra nhiều cơ hội việc làm.

Nhà trường đã ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn có thế mạnh về thủy sản và du lịch trên địa bàn như Vinpearl Phú Quốc, Công ty Cổ phần thủy sản Kiên Hùng, giúp sinh viên trong quá trình thực tập có hưởng lương và được các chuyên gia tận tình hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ.

Nỗ lực này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Luật Giáo dục ĐH sửa đổi (khoản 3, Điều 37), quy định: “Cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong việc sử dụng chuyên gia, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức đào tạo thực hành, thực tập nhằm nâng cao kỹ năng thực hành, thực tập và tăng cơ hội việc làm của sinh viên”.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Cần những chính sách kịp thời để tháo gỡ khó khăn

Do giới hạn về mặt địa lý nên phạm vi tuyển sinh đầu vào hàng năm của các trường có quy mô tương tự ĐH Kiên Giang hạn chế hơn so với các ĐH vùng, các trường ĐH nằm ở đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Trong khi đó, tỷ lệ học sinh THPT hằng năm ở một số địa phương có xu hướng giảm.

Mặc dù trực thuộc Bộ GD&ĐT nhưng ĐH Kiên Giang vẫn nằm trên địa bàn tỉnh lẻ. Việc thu hút đội ngũ giảng viên gặp nhiều khó khăn bởi thu nhập thấp, môi trường làm việc hạn chế, ít cơ hội gia tăng thu nhập. Thêm vào đó, các trường ĐH địa phương đa phần đào tạo đa ngành, nhưng theo quy định hiện nay, muốn mở ngành đào tạo thì cần tối thiểu 1 tiến sĩ và 9 thạc sĩ phù hợp với chuyên ngành.

Đầu tư mở một ngành đã khó, mở ngành xong, nhà trường lại gặp phải 2 thách thức: Tình hình kinh tế - xã hội thay đổi nhanh chóng nên một số ngành không còn phù hợp với nhu cầu địa phương, quá trình tuyển sinh gặp khó, dẫn đến dôi dư đội ngũ giảng viên. Trong khi đó, một số ngành có nhu cầu cao thì lại thiếu nhân sự cơ hữu. Tình trạng thừa/thiếu cục bộ tại một số trường làm cho quá trình sử dụng nguồn nhân lực không hiệu quả, gây lãng phí ngân sách nhà nước, trì trệ chương trình đào tạo.

Để tháo gỡ khó khăn và khuyến khích các trường đủ tiềm lực phát triển, chính phủ nên sớm hoàn thiện mạng lưới quy hoạch các trường ĐH. Quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các trường ĐH được thành lập và có quy mô cấp địa phương. Chúng ta không thể nhập nhằng giữa mô hình ĐH địa phương và ĐH vùng. Bản thân ĐH địa phương còn thực hiện chức năng chính trị, tiến hành đào tạo mới, đào tạo chuyên tu cho nguồn nhân lực tại chỗ.

Ngoài sự nỗ lực của nhà trường, chính quyền địa phương cũng phải có sự quan tâm đến quá trình phát triển của ĐH trên địa bàn bằng các chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho bộ máy hành chính, đưa giảng viên đi học nước ngoài. Về phía mình, các trường ĐH địa phương cần tăng cường khảo sát nhu cầu lao động theo từng ngành nghề, làm cơ sở cho việc điều chỉnh quy mô ngành nghề đào tạo gắn liền nhu cầu thực tiễn. ĐH địa phương cũng phải mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao và tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm nghiên cứu khoa học.

Việc đào tạo ở các trường ĐH địa phương nên chú ý đến nhu cầu xuất khẩu lao động, đồng thời đón đầu xu thế đào tạo nguồn nhân lực và trình độ ngoại ngữ đáp ứng các yêu cầu lao động của các quốc gia sử dụng lao động. Chính sách này góp phần thu hút các em học sinh THPT lựa chọn việc học ở các trường ĐH địa phương để làm khâu trung gian trước khi xuất khẩu lao động. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ