Phát huy vai trò của công đoàn trong điều kiện cơ chế thị trường

Phát huy vai trò của công đoàn trong điều kiện cơ chế thị trường

(GD&Đ)-Chiều 5/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, cho ý kiến về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Tổ chức công đoàn cần phát huy vai trò bảo vệ quyền lợi người lao động trong cơ chế hị trường (ảnh MH)
Tổ chức công đoàn cần phát huy vai trò bảo vệ quyền lợi người lao động trong cơ chế hị trường (ảnh MH)

Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án luật này, Ủy ban Pháp luật tán thành phải sửa đổi Luật Công đoàn từ năm 1990 cũng như quan điểm chỉ đạo xây dựng luật nêu trong Tờ trình của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng về cơ bản, nội dung của dự án luật đã bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, một số quy định tại dự thảo luật còn nhắc đến những vấn đề đã quy định tại Hiến pháp và các luật khác. Một số quy định của dự thảo luật còn chưa phù hợp với pháp luật hiện hành.

Về địa lý pháp lý của công đoàn, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, quy định của dự thảo luật tại Điều 1 cũng như Điều 11 còn lẫn lộn giữa tổ chức với chức năng công đoàn, hơn nữa chưa xác định đúng vị trí pháp lý của tổ chức công đoàn theo quy định tại Điều 10 của Hiến pháp năm 1992.

Trong điều kiện kinh tế thị trường, đội ngũ công nhân không thuần túy là người làm công ăn lương mà trong đó có một bộ phận vừa làm công ăn lương vừa là chủ doanh nghiệp (cổ đông trong doanh nghiệp cổ phần). Vì vậy, Luật nên xác định mục tiêu bảo vệ người lao động tập trung vào khu vực nào (công lập và ngoài công lập) hay nhóm người lao động quyền lợi dễ bị tổn thương.

Đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với quan điểm của Ủy ban Pháp luật về địa vị pháp lý của công đoàn. Đóng góp ý kiến về vấn này, đại biểu Trương Thị Mai và nhiều đại biểu khác nhấn mạnh chức năng của công đoàn trong sự hội nhập là chức năng đại diện cho người lao động để đại diện cho quan hệ lao động.

Góp ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, địa vị pháp lý không phải tự nhiên mà có. Luật đưa ra yêu cầu phải xác lập được vai trò, vị trí của công đoàn trong điều kiện cơ chế thị trường, trong đó xác lập vai trò của Đảng.

Về quyền và trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ lợi ích của người lao động, Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu quy định tại khoản 7 Điều 12 của dự thảo luật; giữa Điều 1, Điều 11 khoản 7 Điều 12.

Về cơ chế bảo vệ quyền lợi cán bộ công đoàn, theo các đại biểu cần cân nhắc kỹ. Theo Ủy ban pháp luật việc ký, gia hạn, chấm dứt các hợp đồng lao động là quyền của người lao động và sử dụng lao động. Việc quy định này là trái với quy định của Bộ luật Lao động. Mặt khác, nếu đặt trong tổng thể các mối quan hệ lao động khác cũng không thống nhất.

Minh Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ