Đề Văn hay sẽ giúp khơi gợi óc sáng tạo của học sinh |
(GD&TĐ) - Tình trạng số đông học sinh không thích (hoặc không coi trọng) môn Văn đã được nói nhiều trong những năm qua. Cũng đã nhiều người phân tích tìm nguyên nhân, trong đó, chương trình học và cách ra đề thi không khuyến khích trí sáng tạo của học sinh có phần trách nhiệm.
Cuộc thi vào đại học năm vừa qua, dư luận hoan nghênh một số đề thi có tính chất “mở”; tuy vậy, xin lưu ý, cách ra đề thi “mở”, tránh lối học vẹt, phải thể hiện trong suốt quá trình học ở nhiều cấp, trong tất cả các kỳ thi (chứ không chỉ lúc thi tốt nghiệp hay thi đại học) thì mới có tác dụng.
Xin được nói qua lai lịch các đề thi không có trong “sách”, không dựa theo đề cương nào cả. Khởi đầu từ cuộc thi “Em học văn” do Tạp chí Sông Hương tổ chức năm 1988, rồi tiếp nối được mấy năm liền. Trước các cuộc thi cho lứa tuổi học trò là “cuộc thi” chọn đề thi mà “thí sinh” là các nhà văn, nhà thơ, nhà giáo dạy chuyên Văn có uy tín.
Loại “thí sinh” này được mời và có khoản thù lao nho nhỏ. Mỗi người ra hai đề, Ban Tổ chức tập hợp lại, giấu tên tác giả rồi để các “thí sinh” cho điểm tất cả các đề thi. Mỗi cuộc thi chọn hai đề cao điểm nhất để các em lựa chọn. Các đề thi ra đã lâu, nhưng loại đề “mở” không theo sách vở nào và đậm tính nhân văn thì hẳn là có giá trị lâu dài.
Và dưới đây là 8 đề thi đạt điểm cao (trong tổng số 32 đề), nay mời các thầy cô giáo, các em ham thích học Văn lựa chọn theo ý mình và thử “làm chơi”:
1. Hãy tả lại nỗi phập phồng của giọt sương trên lá cỏ khi mặt trời sắp lên.
2. “Con cò mà đi ăn đêm / Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao / Ông ơi, ông vớt tôi nao / Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng / Có xáo thì xáo nước trong / Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con.”
Qua bài ca dao trên, em hãy thuật lại hoàn cảnh kiếm sống nuôi con của con cò, tai biến xảy đến với nó, cuộc đối thoại đau đớn của nó với người bắt chim và hãy tưởng tượng theo ý em số phận may rủi sau cùng đã đến với con cò như thế nào?
3. Một đêm thanh bình, bầu trời sao nghiêng xuống mặt đất. Những vì sao nói gì? Bằng tâm hồn nhạy cảm và trí tưởng tượng phong phú, em hãy lắng nghe và kể lại những tiếng thì thầm của chúng.
4. Nỗi buồn đôi khi thật đẹp và có ích. Em hãy viết về một kỷ niệm buồn như thế.
5. Có một bạn ở xa muốn biết về thành phố của em. Em hãy kể về thành phố của mình theo nhận xét của riêng em.
6. Hãy kể lại với người bạn thân về một giấc mơ thú vị nhất của em.
7. Thiên nhiên, môi trường đang ngày một bị tàn phá và ô nhiễm bởi nhiều tác nhân, trong đó có yếu tố về sự tham lam, ngông cuồng của con người. Em thử “đóng vai Thượng Đế” khuyên răn họ đôi điều.
8. Hãy tưởng tượng em có bạn là những cây xanh. Hãy chuyện trò tâm sự với chúng và hãy kể lại những kỷ niệm vui buồn của em với cây hàng ngày, qua 4 mùa. Tâm trạng của em khi cây bị bão tàn phá, nỗi ước mong dành cho những người bạn cây của em.
Xin được nói thêm: Cho dù đây là những đề thi đã được chọn, hy vọng là nếu cách thi chọn đề thi “mở” được nhiều nơi áp dụng, chúng ta sẽ có thêm nhiều đề thi hay, giúp cho việc học Văn lý thú, phát huy tính sáng tạo và góp phần đào tạo một lớp người có cách nghĩ, cách sống giàu tính nhân văn.
Nguyễn Khắc Phê