Phát huy tính sáng tạo của thầy và trò

GD&TĐ - “Nội dung chương trình vừa sức với lứa tuổi HS bậc Trung học với những phẩm chất đạo đức và kĩ năng cơ bản. Nội dung chương trình lần này kích thích được tính tự học trong HS, tính tò mò muốn khám phá kiến thức rất thực tiễn. Nhiều đơn vị kiến thức được cắt giảm, từ đó, chương trình nhẹ nhàng hơn đơn giản hóa về lượng kiến thức cần nắm”, thầy Nguyễn Thái Sơn - Tổ chuyên môn Lịch sử - GDCD (Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, tỉnh Kon Tum) nhìn nhận.

Phát huy tính sáng tạo của thầy và trò

Không đặt nặng yêu cầu “thuộc kiến thức”

Góp ý về chương trình môn học GDCD, thầy Nguyễn Thái Sơn cho rằng, trong nội dung “GD pháp luật” ở lớp 6, điểm kiến thức thứ 10 đề cập đến “Quyền được bảo vệ, chăm sóc, GD và tham gia của trẻ em”, đây là nội dung rất quan trọng để các em có thể nhận biết và hiểu sâu về các quyền cơ bản của một công dân nhỏ tuổi. Đối với suy nghĩ và trình độ tiếp nhận non nớt của một HS lớp 6, các em sẽ không thể nắm vững hết các nội dung cơ bản cũng như các vướng mắc trong thực tế.

Hơn nữa, nội dung chương trình GDCD theo thiết kế chỉ có 35 tiết, trong đó chia đều với các đơn vị kiến thức khác thì lượng kiến thức mà các em nhận được sẽ thực sự rất sơ sài. Vấn đề này nên được chuyển sang cho chương trình GDCD 9, lúc này, tùy thời lượng, khả năng nhìn nhận vấn đề mà giáo viên hoàn toàn có thể lồng ghép các nội dung GD giới tính “phòng chống xâm hại tình dục”, “phòng chống quấy rối tình dục” hay dạy cho các em về các kĩ năng phòng tránh các điều trên.

Kiến thức lớp 7 “Phòng chống nhiễm HIV/AIDS” và kiến thức lớp 8 “Phòng chống các tệ nạn xã hội” nên được chuyển sang lớp 9. Ở lứa tuổi của lớp 9 (14 - 15 - 16) các vấn đề này trở nên cần thiết hơn, thực tế hơn ở các cấp khác.

Cũng ở chương trình 7, phần “GD pháp luật” đơn vị kiến thức 10 “quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình”, nội dung của chủ đề này rất rộng lớn, không chỉ nói đến trách nhiệm, vị trí của các thành viên trong gia đình mà còn liên quan đến kiến thức về qui hoạch xã hội, qui mô dân số, vấn đề việc làm… và các hệ quả diễn tiến.

Nếu đặt ở chương trình lớp 7, kiến thức chắc chắn chỉ dừng lại ở chỗ GD cho HS lối cư xử có văn hóa, hợp đạo đức trong các mối quan hệ gia đình.

Như vậy các vấn đề khác đã nêu ở trên lại không thể đề cập đến do đặc thù khả năng hạn chế, cạn trong lĩnh hội kiến thức của HS lớp 7. Trong khi đó, đơn vị kiến thức này không chỉ dừng lại ở độ nông như đã nêu mà cần hướng HS tới các vấn đề khác muốn có một gia đình thì trước hết cần có kiến thức về tình bạn, tình yêu, kiến thức về giới tính… bên cạnh đó, thực tế hiện nay các vấn đề bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trong chính gia đình hay quyền công dân trong chính gia đình lại chưa được đề cập đến.

Giáo viên cần có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn

Thầy Nguyễn Thái Sơn chia sẻ: “Ở phần kiến thức “GD kinh tế”, đối với lớp 10, đang từ bậc THCS tức độ tuổi vị thành niên với kiến thức cơ bản chưa cao về cách nhìn nhận về thể chế chính trị hay quan điểm chính trị mà đã yêu cầu các em học, tìm hiểu về đơn vị kiến thức 2 “cơ chế thị trường” mà rõ ràng đối với nước ta thể chế kinh tế là “kinh tế thị trường định hướng XHCN” theo tôi, đây là điểm bất hợp lí, HS sẽ cảm thấy mù mịt về kiến thức, các em chưa hề biết gì về thiết chế chính trị XHCN, chưa có hiểu biết về kinh tế thị trường trong tương quan so sánh với nền kinh tế TBCN và lịch sử tồn tại, phát triển của nền kinh tế TBCN thì rất khó để HS thấy được rằng, kiến thức đang học là cần thiết, là hiệu quả, là đúng đắn.

Còn nếu để giải thích cho HS hiểu để có kiến thức chuẩn, đúng thì thời lượng chương trình GDCD dành cho môn học sẽ không cho phép giáo viên thực hiện điều này”.

Cũng trong phần này, đơn vị kiến thức 5 “tín dụng và cách sử dụng các dịch vụ tín dụng”. Tôi hoàn toàn đồng ý với đơn vị kiến thức này, hay và thiết thực, song bản thân tôi thiết nghĩ, ở Việt Nam, khi các mô hình tín dụng vừa, nhỏ hay lớn đi vào đời sống nó đem lại hiệu quả không cao lắm.

Nếu phải đứng lớp dạy về vấn đề này, giáo viên cần có kinh nghiệm thực tiễn, cần có kiến thức cụ thể về các hoạt động tín dụng hiện nay cũng như hiệu quả đem lại. Song, trong thực tế, để đem giới thiệu cho HS các mô hình tín dụng vừa và nhỏ thì các mô hình thành công ở nước ta hay ở đơn vị tỉnh/huyện là không nhiều. Vậy vốn kinh nghiệm thực tế ít, mô hình thực nghiệm ít, hiệu quả GD liệu có cao?

Để thực hiện tốt đơn vị kiến thức này, giáo viên cần nắm vững những mô hình tín dụng đã được triển khai và mang lại hiệu quả kinh tế cao… Chính vì vậy, một khi hiệu quả thực tế trong ứng dụng ở đất nước chưa cao, có thể do nhiều điều kiện khách quan và cả chủ quan thì việc giới thiệu kiến thức này, cho đối tượng HS lớp 10, theo tôi, là chưa phù hợp, chưa thiết thực”.

Nội dung 10, lớp 8, thuộc phần GD pháp luật có đề cập đến “quyền và nghĩa vụ lao động” thì nên chuyển sang cho lớp 6 hoặc 7. Bởi các vấn đề này không quá phức tạp, chỉ cần HS hiểu về độ tuổi lao động theo qui định của pháp luật Việt Nam; Các vấn đề có thể gặp phải hay cần xử lí trong khi thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động. Ở lớp 9, trong phần “GD pháp luật” đơn vị kiến thức 9, với nội dung “phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy nổ và các chất độc hại” nên chuyển cho chương trình lớp 6, 7.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ