(GD&TĐ) - "Báo GD&TĐ chính là một cột thu phát sóng thông tin, để từ đó Bộ GD&ĐT có những chỉ đạo sâu sát hơn, phù hợp hơn.…” - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu trong cuộc gặp gỡ với tập thể cán bộ, phóng viên báo Giáo dục và Thời đại nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tặng lẵng hoa tới tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Giáo dục và Thời đại |
Sáng nay (20/6), Báo GD&TĐ đã tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Tham dự buổi lễ có GS.TS, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận; TS Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức Cán bộ, Phòng báo chí (Bộ GD&ĐT) và toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo GD&TĐ.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Giáo dục và Thời đại nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua, bạn đọc phản hồi báo có sự tiến bộ. Điều này trùng hợp với nhận định từ Bộ GD&ĐT về tờ báo của ngành.
Bộ trưởng khẳng định: “Báo GD&TĐ không có vùng cấm khi nói về tiêu cực của ngành. Báo cần lên tiếng đấu tranh tiêu cực với thái độ tích cực nhất. Bộ không chỉ đạo Báo chỉ nói cái tốt, chỉ viết bài khen. Tiếng nói của báo chí rất mạnh mẽ và có sự lan tỏa rất lớn. Tờ báo ngành Giáo dục cần phải làm được điều này”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đánh giá: “Chúng tôi nhận thấy sự bám sát của các đồng chí thể hiện trên các bài báo với công việc của ngành, của Bộ GD&ĐT có chuyển biến rõ rệt. Cầm trang báo thấy có hơi thở cuộc sống hơn, phản ánh thực tại nhiều hơn. Quan trọng là một số bài viết có chất lượng tốt, có sự lan tỏa, được nhiều bạn đọc trong và ngoài ngành quan tâm, nhất là trên báo GD&TĐ điện tử.
Điều đáng quý chính là sự thay đổi của báo trong phương thức làm việc, cách thức suy nghĩ, ứng xử với công việc, với đồng nghiệp, xã hội... Có thể có những sự thay đổi cần phải điều chỉnh, cần phải hoàn thiện thêm. Nhưng quan trọng là chúng ta có mong muốn, có quyết tâm và chúng ta hành động.
Để thấy rằng Báo GD&TĐ đã lấy lại một phần lòng tin tưởng to lớn và sự ủy thác trách nhiệm nặng nề của lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Gần đây, Bộ GD&ĐT đã quyết định Tổng biên tập Báo GD&TĐ tham dự cuộc họp của lãnh đạo Bộ, hiểu rõ và có sự chỉ đạo sâu hơn, bám sát hơn vào công việc của ngành, của Bộ GD&ĐT”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mong muốn Báo có sự đổi mới, cập nhật hơn nữa về bài vở, để không chỉ phản ánh những hoạt động của ngành, của Bộ, không chỉ là sự giải thích với xã hội về những việc Ngành giáo dục đang làm, mà còn phản ánh được các nguyện vọng, tâm tư của nhân dân, của xã hội, của các thầy giáo, cô giáo, học sinh… đối với giáo dục, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị.
Nói cách khác, Báo GD&TĐ chính là một cột thu phát sóng thông tin để từ đó Bộ GD&ĐT có những chỉ đạo sâu sát hơn, phù hợp hơn.
Bộ GD&ĐT cũng mong muốn Báo GD&TĐ tiếp tục củng cố sự đoàn kết trên nguyên tắc của các tổ chức Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên, của hội báo chí…, phát huy hơn nữa sự sáng tạo, chủ động trên tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với công việc, xứng đáng với danh hiệu nhà báo - nhà giáo vẻ vang.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam" cho các đồng chí phóng viên, biên tập viên Báo Giáo dục và Thời đại |
Thay mặt tập thể cán bộ Báo Giáo dục và Thời đại, Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Nam cảm ơn sự quan tâm, động viên kịp thời của Ban Cán sự Đảng và cá nhân Bộ trưởng đối với công tác thông tin, tuyên truyền của Báo GD&TĐ, đồng thời tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng và cùng tập thể tìm ra những giải pháp hữu hiệu để biến những chỉ đạo của Bộ trưởng thành hiện thực tốt đẹp.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam" cho các đồng chí phóng viên, biên tập viên Báo Giáo dục và Thời đại đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển báo chí Việt Nam.
PV