Vòm đá dài hơn 10m ở vùng biển gần bờ xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: T.Lâm. |
Ông Nguyễn Tuấn Lâm - Chuyên gia khảo cổ học dưới nước (Công ty Đoàn Ánh Dương) - cho biết: Nhóm thợ lặn cùng một số nhà khảo cổ vừa phát hiện vòm đá, nằm gần sát bờ biển xã An Bình. Nhiều khả năng đây là dấu tích dung nham từ hoạt động phun trào núi lửa khi gặp nước biển đông cứng lại, tạo nên vòm đá kỳ vĩ này.
Vòm đá này có nhiều loài san hô đẹp sống ký sinh, cách mặt nước khoảng 6 m uốn cong hình vòng cung và kéo dài khoảng 20 m. Từ đáy biển lên đến đỉnh của mái vòm cao nhất khoảng 5 m.
"Chúng tôi xem đây là kiệt tác thiên nhiên hiếm có, giống hệt di tích cổng tò vò trên cạn ở thôn Tây, xã An Vĩnh (đảo Lớn) nhưng chiều dài và kích cỡ của vòm đá này thì gấp đôi" - Ông Lâm nói.
Nhiều loài san hô mọc dày đặc trên vòm đá kỳ vĩ vừa được phát hiện ở vùng biển gần bờ xã đảo An Bình. Ảnh: T.Lâm. |
Tỏ vẻ bất ngờ và cùng chung nhận định khi xem đoạn video về vòm đá dưới biển vừa được phát hiện, TS Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho hay, việc phát hiện vòm đá khổng lồ là cơ hội lớn để phát triển du lịch sinh thái gắn với lặn biển, khám phá đại dương ở đảo Lý Sơn.
"Huyện đảo này có vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú gồm những dấu tích chảo núi lửa Thới Lới, Giếng Tiền kỳ vĩ. Hệ thống hang động, vòm đá hình thành từ dung nham núi lửa cả trên bờ lẫn dưới nước tạo thành chuỗi di sản thiên nhiên hiếm nơi nào có được" - Ông Vũ nhấn mạnh.
Hai tuần trước, nhóm thợ lặn của Công ty Đoàn Ánh Dương đã phát hiện dấu tích hai tàu cổ chở gốm sứ và vật liệu xây dựng đắm ở vùng gần bờ xã An Bình. Bước đầu các nhà khảo cổ nhận định, các hiện vật gốm sứ, đá sa thạch này dùng xây dựng đền tháp Chămpa xưa có niên đại từ XV đến XVI.
Kết quả nghiên cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam cho thấy, huyện đảo Lý Sơn được hình thành do tàn tích của hoạt động phun trào của núi lửa cách nay từ 250 đến 300 triệu năm.
Hòn đảo tiền tiêu này có địa hình núi lửa chiếm 70% diện tích. Trong đó có nhiều di tích được tạo ra từ hoạt động phun trào dung nham của núi lửa như Hang Câu, chùa Hang, chùa Đục, cổng tò vò, dấu tích miệng núi lửa trên đỉnh núi Thới Lới, Giếng Tiền... có giá trị lớn để làm du lịch.
Di tích cổng tò vò ở thôn Tây, xã An Vĩnh (đảo Lớn) kiến tạo từ dung nham núi lửa giống hệt vòm đá vừa được phát hiện dưới đáy biển gần bờ đảo Bé, huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Trí Tín. |
Bên cạnh những hang động, vòm đá kỳ thú trên bờ lẫn dưới biển, Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo (Bộ Tài Nguyên - Môi trường) gần đây cũng công bố huyện đảo Lý Sơn có hệ sinh thái phong phú gồm 700 loài động, thực vật với gần 140 loài rong biển, 160 loài san hô, hơn 300 loài cá rạn, 100 loài giáp xác và một số loài khác.