(GD&TĐ) – Các nhà thiên văn học vừa khám phá trữ lượng nước lớn nhất và xa nhất từng được phát hiện trong vũ trụ - Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA vừa cho biết hôm qua (22.7).
Hình ảnh minh họa một quasar nơi các nhà thiên văn khám phá ra một lượng nước khổng lồ |
Lượng nước tại đây gấp 140 nghìn tỉ lần so với lượng nước của đại dương trên Trái đất, bao quanh một cái hố đen, được gọi là quasar, cách xa chúng ta 12 tỉ năm ánh sáng.
“Môi trường quanh quasar này rất đặc biệt vì nó tạo ra một lượng nước khổng lồ” – nhà khoa học Matt Bradford tại JPL cho biết – “điều này cho thấy nước có khắp vũ trụ, ngay cả thời kỳ đầu tiên”.
Một quasar được cung cấp năng lượng bởi một hố đen liên tục hút vào khí và bụi xung quanh. Khi ngốn lượng khí và bụi, quasar phun ra năng lượng cực lớn. Các nhà thiên văn đã nghiên cứu một quasar đặc biệt tên là APM 08279+5255, có chứa một hố đen lớn gấp 20 tỉ lần so với mặt trời và tạo ra nguồn năng lượng bằng 1 tỉ tỉ mặt trời.
Trong dải ngân hà có hơi nước, mặc dù lượng nước này ít hơn ở quasar trên 4.000 lần do hầu hết lượng nước ở Ngân hà ở dạng đóng băng.
Phương Hà (Theo Xinhua)