Phát hiện thêm loài rùa mới tại "đảo rùa khổng lồ"

Khi nhắc đến quần đảo Galapagos thuộc Ecuador, ít có loài nào có thể trở thành biểu tượng của quần đảo này như loài rùa khổng lồ.

Phát hiện thêm loài rùa mới tại "đảo rùa khổng lồ"

Vào thời kỳ các nhà phát kiến người Tây Ban Nha tìm ra quần đảo, rùa khổng lồ có nhiều đến nỗi họ đã đặt tên quần đảo này theo tên chúng. Loài rùa khổng lồ ở đây cũng chính là loài đã giúp Darwin nghiệm ra thuyết chọn lọc tự nhiên. Phải mất hàng thập kỷ sau các nhà khoa học mới xác định được 15 chủng loài rùa có ở đây, trong số đó đã có bốn loài đã tuyệt chủng. Và đến nay chỉ còn một loài rùa còn tồn tại trên đảo Santa Cruz có tên khoa học là Chelonoidis porteri.

Tuy nhiên, nhờ các xét nghiệm DNA từ xương rùa từ bảo tàng Wisconsin và trên quần đảo Galapagos, một nhóm nghiên cứu quốc tế đã phát hiện thêm một loài rùa nữa còn sống trên đảo. Nhóm đã công bố công trình của mình trên tạp chí khoa học PLOS One và nhận định rằng còn hàng trăm con rùa khổng lồ đang sống ở phía đông đảo Santa Cruz, tách biệt loài rùa cũ tập trung ở phía Tây hòn đảo. Loài mới này có tên gọi là C. Donfaustoi, được đặt theo một nhà bảo tồn rùa đã hoạt động hàng chục năm.

Loài rùa mới được phát hiện C. Donfaustoi

Trưởng nhóm nghiên cứu, Adalgisa “Gisella” Caccone thuộc ĐH Yale cho biết nhóm này được một người nghiên cứu các loài bò sát Tom Fritts, gợi ý nghiên cứu về những điểm khác biệt trên mai các con rùa. Bà Caccone cho biết khám phá này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu thêm về cách loài rùa này đến được đảo Santa Cruz và quá trình dẫn đến sự đa dạng của loài này trên đảo.

Bản thân bà đã rất ngạc nhiên khi thấy họ hàng gần nhất của loài rùa mới này sống ở một hòn đảo phía Tây tên San Cristóbal. Theo bà, loài rùa này đã di cư đến Santa Cruz hai lần, một lần đến sống ở bờ phía đông và một lần ở bờ phía tây. Việc khám phá ra một loài mới có thể rất hữu ích trong công tác bảo tồn rùa biển trước các nguy cơ hiện tại như mất nơi sinh sống do nông nghiệp và đất du lịch, khách sạn.

Loài rùa mới sống ở phía đông đảo Santa Cruz, tách biệt khỏi loài rùa ở phía tây hòn đảo.

Nhóm nghiên cứu cho biết: “Đối với việc bảo tồn, việc nhận một loài mới có thể giúp bảo vệ và phục hồi loài đó. Tuy nhiên, sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn để xác định số lượng cá thể của loài C. Donfaustoi cùng các đặc điểm về nơi ở, thời gian di cư cũng như các nguy hiểm và phương pháp bảo tồn hiệu quả.”

Được biết, quần thể rùa ở phía tây đảo có số lượng khoảng 2.000 con và sống trong một khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, trong khi nhóm rùa mới được phát hiện sống ở phía đông có số lượng chỉ 250 con và dễ gặp nhiều nguy hiểm hơn.

Nhóm nghiên cứu cho biết việc duy trì hai quần thể này tách biệt về mặt sinh học là cần thiết, nhất là khi hiện tại hai vùng này đã được nối với nhau nhờ một vùng nông nghiệp ở giữa.

Theo Pháp luật TPHCM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ