Phát hiện sự sống dưới lớp băng Nam cực

GD&TĐ - Châu Nam cực có thể trông như hoang mạc đầy băng đá và tuyết. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn phát hiện một vài khu vực có sự sống sinh sôi.

Phát hiện sự sống dưới lớp băng Nam cực

Dưới lớp băng Nam cực về phía Tây có hồ nước Mercer, trong đó có các quần thể vi khuẩn. Hiện tượng này có thể có ý nghĩa lớn trong tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất, đặc biệt là trên sao Hỏa. Cho đến năm ngoái, người ta mới phát hiện là trên sao Hỏa có hồ nước ngầm, chứa đầy nước ở trạng thái lỏng. Đây có thể là nơi tụ họp của các vi khuẩn.

Việc phát hiện vi khuẩn sống tại Nam cực là kết quả của dự án, trong đó các nhà khoa học đã khoan một lỗ khoan tới độ sâu 1.000 mét, về hướng hồ Mercer.

Các phân tích trước đó cho thấy trong hồ Mercer có tới 10.000 vi khuẩn trong 1 ml nước. Mặc dù tỷ lệ này chỉ bằng một phần trăm số vi khuẩn/ ml nước trong đại dương, nhưng nó đã chứng tỏ châu Nam cực không phải là nơi khô cằn. Một số người nói rằng dưới băng Nam cực có thể tồn tại những dạng sống cao cấp hơn (chẳng hạn như bọ gấu nước tardigrade).

“Chúng tôi đã tìm thấy nhiều vi khuẩn; còn trong hồ có đủ các chất hữu cơ để trợ giúp các dạng sống cao cấp hơn” – Giáo sư John Priscu ở ĐH Montana (Mỹ) cho biết như vậy.

Hồ Mercer không phải là hồ nước ngầm duy nhất ở phía Tây châu Nam cực. Vào năm 2013, các nhà khoa học đã khoan một lỗ sâu 800 mét xuống hồ Whillans, nơi họ phát hiện vi khuẩn sống bằng methane.

Hóa ra, sự sống có thể tồn tại trong những môi trường đặc biệt khắc nghiệt. Điều này làm tăng cơ hội phát triển sự sống ngoài Trái đất, chẳng hạn như trên các vệ tinh của sao Thổ và sao Mộc.

Việc tìm kiếm và khám phá những hồ nước lớn, nằm dưới băng dày mới được triển khai. Giáo sư Priscu cho biết, ông tin rằng toàn bộ châu Năm cực là một hệ sinh thái “ướt át” khổng lồ, bao gồm hàng trăm hồ nước ngầm dưới băng, liên kết với nhau bởi hệ thống sông.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ