Tàu đổ bộ Philae đã đáp xuống sao chổi 67P/Churyumov–Gerasimenko sau hành trình kéo dài 10 năm trong không gian. Sứ mệnh của con tàu này là làm sáng tỏ quá trình hình thành của các hành tinh và sự sống.
Tàu đổ bộ Philae của châu Âu đáp xuống bề mặt sao chổi 67P/Churyumov–Gerasimenko. |
Trung tâm hàng không vũ trụ Đức (DLR) cho biết thiết bị phân tích khí COSAC trên tàu Philae đã ‘ngửi’ bầu khí quyển và phát hiện những phân tử hữu cơ đầu tiên, sau khi đáp xuống bề mặt sao chổi 67P/Churyumov–Gerasimenko.
Các nhà khoa học người Đức cho biết những phân tử hữu cơ được phát hiện chứa thành phần carbon là cơ sở cho sự sống trên Trái đất. Tuy nhiên, họ chưa rõ liệu phân tử hữu cơ có chứa các hợp chất phức tạp để tạo thành protein hay không.
Tàu đổ bộ Philae cũng tiến hành khoan vào bề mặt sao chổi 67P/Churyumov–Gerasimenko để tìm kiếm phân tử hữu cơ, nhưng chưa rõ liệu những mẫu này đã được chuyển tới thiết bị COSAC để phân tích hay chưa.
Tàu Philae cũng có thiết bị MUPUS được sử dụng để đo các đặc tính nhiệt độ và độ dày của bề mặt sao chổi. Thiết bị này cho thấy bề sao chổi 67P/Churyumov–Gerasimenko không mềm như các nhà khoa học nghĩ trước đây.
DLR cho biết sau khi xuyên qua một lớp bụi dày khoảng 10-20cm, thiết bị cảm ứng MUPUS đã chạm phải một lớp vật chất cứng như băng.
“Đó là điều bất ngờ. Chúng tôi không nghĩ tằng bề mặt sao chổi cứng như băng”, Tilman Spohn, người đứng đầu nhóm điều khiển thiết bị MUPUS, cho biết.
Tàu đổ bộ Philae đã kết thúc sự mệnh kéo dài 57 giờ trên bề mặt sao chổi 67P/Churyumov–Gerasimenko vào ngày 15/11 vừa qua. Tàu đã gửi dữ liệu về hàng loạt các thí nghiệm về Trái đất trước khi hết nhiên liệu.