Phát hiện khoáng chất từ ngoại hành tinh

Phát hiện khoáng chất từ ngoại hành tinh

Vào năm 1951, các nhà khoa học tìm thấy một thiên thạch kích cỡ quả chanh ở gần thành phố Wedderburn, bang Victoria (Australia). Thiên thạch được đưa vào bộ sưu tập của Bảo tàng Victoria. Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã nghiên cứu thiên thạch này. Việc đó đã khiến cho khối lượng thiên thách giảm từ 220g xuống còn 71g!

Năm 2018, các nhà khoa học ở Viện Công nghệ California CalTech (Mỹ) nhận được một mảnh nhỏ từ thiên thạch này. Họ dự định kiểm tra xem thiên thạch có chứa các khoáng chất hiếm hay không. Kết quả là đúng như họ dự đoán.

Các nhà khoa học ở CalTech đã phát hiện hợp chất nguyên tử sắt và carbon với cấu trúc đặc trưng. Khoáng chất này được đặt tên là edscottite (nhằm vinh danh nhà nghiên cứu thiên thạch Edward Scott ở ĐH Hawaii, Mỹ).

Trước đó, các nhà khoa học cũng bắt gặp edscottite trong các lò luyện kim. Khoáng chất này là một trong các pha mà qua đó sắt được luyện thành thép.

Được biết, từ những năm 70 thế kỷ trước, nhưng mãi đến năm 2019 edscottite mới được đặt tên; bởi theo lẽ thông thường, các khoáng chất được đặt tên sau khi được phát hiện trong tự nhiên.

Sử dụng kính hiển vi điện tử, các nhà nghiên cứu ở CalTech đã phát hiện edscottite trong thiên thạch từ Wedderburn. Khoáng chất này hình thành như thế nào? Đến nay họ vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

Theo nhà nghiên cứu Geoffrey Bonning ở ĐH Quốc gia Australia (ANU), khoáng chất này có thể bị bắn ra từ nhân của một ngoại hành tinh khác, hình thành do nhiều tiểu hành tinh liên kết lại với nhau.

“Thiên thạch này chứa nhiều carbon. Khi thiên thạch nguội đi, sắt và carbon liên kết với nhau, tạo ra edscottite” – Tiến sĩ Stuard Mills ở Bảo tàng Victoria cho biết.

Ngoại hành tinh nói trên có thể đã va chạm với một thiên thể khác và bị phá hủy. Các mảnh vỡ của nó văng vào không gian vũ trụ. Một trong những mảnh vỡ đó có thể là thiên thạch ở Wedderburn.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ