Một nhóm các chuyên gia quốc tế đã khám phá ra hóa thạch ấu trùng ruồi dị thường trên ở các hồ nước ngọt thuộc vùng Nội Mông (Trung Quốc) ngày nay.
Ở môi trường sống này, con vật ký sinh sẽ trườn tới chỗ những con rồng lửa đi ngang qua, dùng tấm hút khổng lồ bám mình vào cơ thể vật chủ và thâm nhập qua lớp da mỏng của các sinh vật lưỡng cư để hút máu.
Ấu trùng ruồi mới phát hiện được đặt tên khoa học là Qiyia jurassica. "Qiyia" trong tiếng Trung có nghĩa là "kỳ lạ", còn "jurassica" ám chỉ thời kỳ tồn tại của hóa thạch - kỷ Jura. Cho tới nay, chưa có loài côn trùng nào được ghi nhận sở hữu tấm hút lớn đến như vậy.
Các nhà khoa học tin rằng, Qiyia jurassica, với cơ thể dài khoảng 2 cm, đã trải qua các biến đổi cực điểm trong quá trình tiến hóa. Chẳng hạn như, đầu của nó nhỏ xíu so với thân và có hình ống với các phần miệng như những cái khoan ở phía trước.
Phần giữa cơ thể đã biến đổi hoàn toàn ở phía dưới thành một tấm hút khổng lồ, trong khi phần bụng có chân giống như sâu bướm. Theo TS Bo Wang - Nhà nghiên cứu cổ sinh vật học tại Đại học Bonn (Đức), không có côn trùng nào ngày nay có hình dạng cơ thể tương tự như vậy.
Ngoài Qiyia jurassica, nhóm chuyên gia quốc tế cũng khai quật được khoảng 300.000 hóa thạch côn trùng các loại khác nhau, được bảo quản tốt ở cùng địa điểm gần Ningcheng ở Nội Mông. Đáng ngạc nhiên là, không có cá hóa thạch nào được tìm thấy trong các hồ nước ngọt tại đây.
TS Bo Wang nhận định, kiểu sinh thái học bất thường này có thể lý giải tại sao loài ký sinh trùng kỳ lạ đã sống sót được trong hồ. Thông thường, cá là sinh vật ăn thịt ấu trùng ruồi và kiểm soát sự sinh trưởng của chúng.
Mặc dù ấu trùng ruồi hút máu và gây khó chịu cho những con rồng lửa, nhưng chúng ít khi gây ra cái chết cho vật chủ. Nếu Qiyia jurassica vượt qua giai đoạn ấu trùng, nó sẽ lột xác để biến đổi thành một con côn trùng trưởng thành.
Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện vẫn chưa có đủ thông tin để dự đoán con côn trùng trưởng thành đó có hình dạng như thế nào và sinh trưởng ra sao.