Loài khủng long mới được phát hiện này được đặt tên khoa học là Torvosaurus gurneyi và được cho là loài ăn thịt trên cạn lớn nhất được phát hiện tại châu Âu.
Lourinha (Bồ Đào Nha) là một khu vực có rất nhiều hóa thạch. Vào cuối kỷ Jura, nơi đây là một vùng đồng bằng châu thổ ẩm ướt và rất giàu thực vật cũng như nhiều chủng loại khủng long khác nhau.
Hóa thạch của loài khủng long mới được phát hiện lần đầu năm 2003, khi một nhà cổ sinh vật học nghiệp dư tìm được một mẩu xương hàm.
Xương ống chân, răng và các mảnh xương đuôi cũng nhanh chóng được tìm thấy sau đó. Ban đầu các nhà khoa học cho rằng đây là xương của khủng long ăn thịt Torvosaurus tanneri sống ở Bắc Mỹ cách đây 150 triệu năm.
Tuy nhiên Hendrickx và đồng nghiệp là Octavio Mateus đã nghiên cứu kỹ các mảnh xương và khẳng định chúng thuộc về một loài hoàn toàn mới.
Kẻ săn mồi khổng lồ của châu Âu này là khủng long chân thú, một phân bộ của khủng long ăn thịt bao gồm cả loài T-Rex. Mặc dù T. gurneyi dài tới 10 m và nặng 4 - 5 tấn, nó vẫn nhỏ hơn loài T.Rex với độ dài 12 m từ đầu đến chân.
Răng của chúng dài khoảng 10 cm, to và sắc như dao, khẳng định chúng là loài ăn thịt, và chúng thường săn những con khủng long ăn cỏ to lớn. Tuy nhiên cũng có khả năng chúng là loài ăn xác thối.
Phát hiện mới này đã làm thay đổi bức tranh về loài khủng long ở châu Âu. Trong quá khứ, châu Âu từng là một quần đảo bao gồm nhiều đảo lớn, và các loài động vật có xu hướng thu nhỏ kích thước trong quá trình tiến hóa trên các hòn đảo. Thực tế là nhiều loài khủng long ở châu Âu cuối kỷ Jura có kích thước khá nhỏ.
Thế nhưng, nếu so về kích thước, Torvosaurus gurneyi có thể sánh với loài T.Rex ở Bắc Mỹ, cho thấy chúng là “những con khủng long to lớn nhất từng tồn tại ở châu Âu cuối kỷ Jura”, Hendrickx chia sẻ.
Những hóa thạch vừa được phát hiện cũng đưa đến giả thuyết là những bào thai hóa thạch từng được phát hiện là của loài T. gurneyi này.