Khả năng do độc tố xã thải?
Trước tình hình trên, ngày 20/4, ông Phạm Khánh Ly, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cùng đoàn công tác đã về làm việc với các ban ngành Hà Tĩnh để tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân.
Cá chết hàng loạt dạt vào dọc bờ biển miền Trung
Tại buổi làm việc, đoàn đã nghe báo cáo của Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, chính quyền thị xã Kỳ Anh về tình hình cá chết bất thường và kết quả ban đầu về nguyên nhân dẫn đến cá chết. Theo Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (thuộc Bộ NN&PTNT), hiện tượng cá chết hàng loạt, trôi dạt vào bờ biển và do “nguồn nước bị nhiễm độc” chứ không phải do vi khuẩn gây bệnh.
Tuy nhiên độc tố đó là gì thì vẫn chưa rõ. Lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, hiện đang chờ kết quả từ Viện Hàn lâm khoa học VN, phải biết chính xác độc tố gì thì mới tìm ra nguyên nhân sự việc.
Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (thuộc Bộ NN&PTNT) cũng đưa ra giả thiết “nhận định khả năng do độc tố xã thải”. Còn lãnh đạo Sở NN&PTNT thì cho hay, “nếu độc tố thì phải là một lượng rất kinh khủng mới giết chết nhiều cá đến như vây.”
Trước đó, ngày 6/4, cá nuôi của các hộ dân ở xã Kỳ Lợi bị chết hàng loạt, tiếp đó cá nuôi ở các xã khác như Kỳ Hà, Kỳ Ninh... cũng bị chết sạch. Những ngày tiếp theo thì các biển ở các tỉnh từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên - Huế chết và trôi dạt vào bờ với khối lượng rất lớn.
Đường ống xã thải khổng lồ cắm xuống đáy biển
Ngày 21/4, đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản đã vào địa bàn Cảng Vũng Áng (gần Dự án Formosa) và 2 xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) để kiểm tra thực tế và tìm hiểu nguyên nhân về thực trạng cá chết hàng loạt trong thời gian qua. Tại đây đoàn đã nhận được thông tin của ngư dân trình báo về việc họ vừa phát hiện một đường ống xả thải từ dự án Formosa cắm sâu xuống đáy biển.
Theo đó, anh Nguyễn Xuân Thành (36 tuổi, trú phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), cho biết, ngày 4/4 vừa qua, trong quá trình lặn xuống biển để “săn” cá, anh đã bất ngờ phát hiện một đường ống xả thải khổng lồ “cắm” xuống biển.
Đường ống xả thải này được chôn dưới đáy biển, phủ lên phía trên là một lớp đất cùng nhiều đá hộc, bao tải cát; chiều dài của đường ống khoảng 1,5 km; đường kính 1,1 m; một đầu của đường ống được nối liền từ khu vực án Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), đầu bên kia được nối liền với 3 đoạn đường ống nhỏ (mỗi đoạn đường dài khoảng 2m; đường kính khoảng 40 cm).
“Vào thời điểm phát hiện, tôi thấy đường ống này phun nước rất mạnh. Nước phun từ đường ống ra có màu vàng đục, nhừa nhựa, có mùi hôi thối, ngửi cảm thấy rất ngạt thở”, anh Thành nói.
Sau khi phát hiện ra đường ống trên, anh Thành đã đến trình báo vụ việc cho Đồn Biên phòng Đèo Ngang (thuộc Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) và đồng thời vẽ lại hồ sơ cùng vị trí của đường ống cho đơn vị này nắm được.
Trung tá Nguyễn Khắc Minh, Đồn phó Đồn Biên phòng Đèo Ngang cho biết, đơn vị này đã nhận được thông tin có một đường ống xả thải khổng lồ được nối liền từ khu vực dự án Formosa ra đáy biển như anh Thành đã trình báo. Đơn vị đã báo cáo vụ việc lên Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh biết và đang chờ ý kiến chỉ đạo.
Hệ thống kênh chứa nước thải đục ngầu của Fosmosa được nối với đường ống khổng lồ cắm sâu xuống đáy biển
Ông Phạm Khánh Ly, Vụ phó Vụ Nuôi tròng thủy sản cho biết, sẽ báo cáo thông tin có một đường ống xả thải nối liền từ Khu kinh tế Vũng Áng ra biển như ngư dân phản ánh cho Bộ NN-PTNT, để xin ý kiến chỉ đạo và đồng thời sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng của Hà Tĩnh vào cuộc điều tra, tìm hiểu rõ về vụ việc.
Trước những nghi vấn cá chết do nguồn nước thải chưa được xử lý nhưng đổ trực tiếp ra sông, biển, gây ô nhiễm nguồn nước, lãnh đạo của Formosa cho biết, hiện nay chỉ có duy nhất một ống xả thải trong KCN rộng 1m, dài 1,5km, nằm sâu dưới lòng biển khoảng 17m, cách bờ biển 1,5km. Mỗi ngày tập đoàn xả ra 12.000 m3 nước xả thải, nhưng mẫu nước đều đạt theo tiêu chuẩn nước xả thải công nghiệp quy chuẩn năm 2013 của Bộ TN&MT.
Đại diện Formosa cũng mong muốn các cơ quan chức năng có thẩm quyền ở Việt Nam sớm vào cuộc để tìm ra nguyên nhân cá chết dọc bờ biển miền Trung.
Trong một diễn biến khác, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an, cũng đã vào cuộc khảo sát thực tế những nơi cá chết để điề tra, làm rõ nguyên nhân.