Theo báo cáo đăng ngày 16/11 trên tạp chí Nature, đại dương của Sao Diêm vương nhiều khả năng ở trong tình trạng đặc quánh và chứa đầy băng tuyết, nằm ở độ sâu từ 150 - 200 km bên dưới Sputnik Planitia - một khu đất trũng hình trái tim rộng 1.000 km - và chứa lượng nước bằng tổng lượng nước của tất cả đại dương trên Trái đất.
Phát hiện trên được đưa ra sau quá trình phân tích các hình ảnh và số liệu do tàu vũ trụ New Horizons của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thu thập được khi bay qua Sao Diêm vương hồi tháng 7/2015.
Sao Diêm vương
Các nhà khoa học muốn tìm hiểu nguyên nhân ra đời của vùng trũng Sputnik Planitia nằm gần xích đạo của Sao Diêm vương. Phân tích mô hình trên máy tính cho thấy nhiều khả năng vùng trũng này chứa đầy băng đá, dẫn tới giả thuyết có 1 đại dương bên dưới bề mặt hành tinh này.
Giả thuyết này cũng hợp lý để giải thích việc bề mặt hành tinh bị nứt gãy là do đại dương ngầm này đang tái đóng băng một cách chậm chạp và tạo áp lực từ bên trong lên bề mặt hành tinh.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu, nhà hành tinh học Francis Nimmo thuộc Đại học California, việc Sao Diêm vương có một đại dương trong lòng đất không phải giả thuyết quá phi lý bởi hành tinh này có điều kiện địa lý phù hợp giúp nó giữ được lượng lớn nhiệt phóng xạ giải phóng ra từ quá trình hình thành nên ngôi sao này từ 4,6 tỷ năm trước.
Nhà khoa học về hành tinh Richard Binzel nhấn mạnh với quá nhiều băng tuyết, đại dương của Pluto không phải là môi trường thuận lợi để phát triển sự sống tuy nhiên giới khoa học vẫn cần nghiên cứu sâu hơn.
Tàu New Horizons hiện đang trên hành trình đến một hành tinh băng giá khác ở khu vực vành đai Kuiper của Hệ Mặt Trời, cách Sao Diêm vương 1,6 tỷ km. Theo lịch trình, New Horizons sẽ đến tiểu hành tinh này vào ngày 1/1/2019.