Kết luận này được rút ra khi nhóm nghiên cứu quan sát các dữ liệu về trận động đất mạnh 9 độ Richter tàn phá nặng nề ở Đông Bắc Nhật Bản vào năm 2011.
Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Dự báo Động đất và Núi lửa thuộc Đại học Tohoku cùng hai nhà khoa học của Đại học California ở Berkeley (Mỹ) đã phác thảo các dữ kiện mà họ nói rằng có những chuyển động địa chất nhẹ bắt đầu tăng tốc một vài ngày trước trận động đất cực lớn vào ngày 11/3/2011, mở màn cho trận động đất-sóng thần kinh hoàng, làm khoảng 18.000 người thiệt mạng và gây ra thảm họa tại 3 lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima, Nhật Bản.
Trưởng nhóm nghiên cứu Naoki Uchida và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu của hơn 6.000 thời điểm có địa chấn trong khoảng thời gian 28 năm để phát hiện sự dao động về tần suất các chuyển động địa chất ở Đông Bắc Nhật Bản.
Ông cho biết các kết quả này gợi ý rằng có nhiều khả năng xảy ra động đất hơn khi các chuyển động chậm xảy ra.
Theo ông, dựa vào phương pháp quan sát này có thể cải thiện xác suất dự báo động đất.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khác tỏ ra nghi ngờ về phát hiện trên với lý do những chuyển động địa chất chậm không thể dẫn đến việc dự báo đáng tin cậy về một trận động đất lớn sắp xảy ra.
Giáo sư môn thống kê Philip Stark thuộc Đại học California ở Berkeley, người không tham gia cuộc nghiên cứu, nói chừng nào các nhà khoa học chưa đưa ra những dự báo có thể kiểm chứng được, thì phát hiện mới của nhóm nghiên cứu trên chỉ là “một giả thuyết hay, chứ không phải là một khám phá cơ bản.”
Giáo sư địa vật lý Robert Geller thuộc Đại học Tokyo cho biết bất chấp những nghiên cứu trong suốt 100 năm qua, chưa ai tìm ra cách phân biệt được các chấn động trước động đất với các trận động đất nhỏ thất thường.