Cuộc thi nhằm ghi nhận, biểu dương và kịp thời nhân rộng những tấm gương cá nhân, tập thể có tinh thần vượt khó, có cách làm hiệu quả, sáng tạo trong quá trình triển khai mô hình VNEN.
Đây cũng là dịp chia sẻ kinh nghiệm quý, cách làm hay từ thực tiễn các địa phương, các nhà trường thực hiện mô hình VNEN, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho giáo viên, CBQL và các tầng lớp người dân, để mọi người hiểu đầy đủ về mô hình, tạo sự đồng thuận cao trong XH.
Theo Ban tổ chức, bài dự thi gồm bài viết (có kèm ảnh), tác phẩm truyền hình, phát thanh và các phương tiện truyền thông khác… giới thiệu tấm gương cá nhân, tập thể có cách làm sáng tạo, kinh nghiệm hay; những câu chuyện cảm động trong nhà trường VNEN có ý nghĩa giáo dục tích cực, có tác động sâu sắc đến cộng đồng xã hội, góp phần làm thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Được biết, thời gian nhận bài từ ngày 28/10/2014 đến hết ngày 31/5/2015. Đối tượng tham gia là mọi công dân trong xã hội, các đối tượng cán bộ giáo viên học sinh, sinh viên.
Cơ cấu giải bao gồm: Giải cá nhân- có 5 giải nhất,10 giải nhì,20 giải ba,30 giải khuyến khích; giải tập thể có 10 giải. Lễ trao giải vào tháng giữa tháng 9 năm 2015.
Từ năm học 2011-2012: Mô hình VNEN được thí điểm tại 24 trường của 12 huyện thuộc 6 tỉnh khó khăn: Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Kon Tum, Đắc Lắc, Khánh Hòa. Đến nay, cả nước có 2508 trường tiểu học triển khai Mô hình VNEN, trong đó có 1061 trường tự nguyện nhân rộng toàn phần mô hình. Ngoài ra, hàng trăm trường khác áp dụng từng phần mô hình.
Từ thành công ở cấp tiểu học, Bộ GD&ĐT có chủ trương thí điểm mô hình VNEN ở cấp THCS, trước mắt thực hiện ở 24 trường của 12 huyện thuộc 6 tỉnh khó khăn: Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Kon Tum, Đắc Lắc, Khánh Hòa.
>>> Xem chi tiết thể lệ Cuộc thi TẠI ĐÂY