(GD&TĐ) - Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hàng trăm hộ dân sống ở các vùng biển Thuận An, Phú Thuận, Hải Dương, Quảng Công, Quảng Ngạn… của tỉnh Thừa Thiên- Huế phải bỏ làng ra đi vì sự xâm thực nặng nề của biển. Chưa bao giờ những hộ dân miền biển nơi đây lại phập phồng sống trong nỗi lo sạt lở như bây giờ. Không ít ngôi làng dọc biển đã bị xóa sổ để thay vào đó là sự ra đời của hàng chục xóm di dân.
Dọc các xã bãi ngang vùng biển TT- Huế, hàng trăm hộ dân đã bỏ lại nhà cửa do nạn sạt lở trầm trọng |
Chóng mặt việc… di dân
Kể từ năm 2007 trở đi, vùng biển Thuận An ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã trở thành điểm “nóng” mỗi khi đến mùa mưa bão. Chỉ tính riêng năm 2011, biển đã ăn sâu vào đất liền 50m trong đó thôn Hải Tiến ở thị trấn Thuận An và thôn An Dương ở xã Phú Thuận thuộc huyện Phú Vang bị sạt lở trầm trọng với chiều dài gần 1 km. Thôn Thái Dương Hạ Nam nằm phía Bắc cửa biển Thuận An cũng trong tình trạng tương tự khi bị sạt lở kéo dài hơn nửa cây số.
Về vùng biển Hải Dương vào những ngày mưa bão cuối tháng 10, trước mắt chúng tôi là cảnh ngổn ngang nhà cửa siêu vẹo do biển sạt lở gây nên, tốc độ sạt lở và sự xâm thực của nước biển càng trầm trọng hơn do ảnh hưởng của cơn bão số 8 vừa qua.
Dẫn chúng tôi ra nơi sạt lở gần nhà nhất, bà Nguyễn Thị Lài ở thôn Thái Dương Hạ, xã Hải Dương sụt sùi kể: “Nhà tôi trước kia cách bờ biển đến cả vài trăm mét, nay cứ đến buổi tối là không dám ngủ vì sóng biển cứ vỗ ầm ập bên tai. Hễ cứ trời mưa to thì sợ nước biển dâng cuốn mất nhà”.
Bỏ thì khổ mà đi thì không biết ở đâu… Tình cảnh của gia đình ông Trần Hạnh ở chung thôn với bà Lài cũng không khác gì mấy so với hàng chục hộ khác sống ở thôn Thái Dương Hạ. Như đã thành thói quen trước mỗi mùa mưa bão, nhà nào trong thôn cũng chuẩn bị sẵn vài trăm bao tải để mỗi khi mưa bão lại đem ra đổ cát, đá để làm đập chắn sóng biển.
Như bất lực trước tốc độ xâm thực ngày một nặng của biển khiến hàng trăm hộ dân trong xã phải di dời đến nơi khác sinh sống, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch UBND xã Hải Dương cho biết: “Nói về tình hình sạt lở ở vùng biển thì có lẽ không chỗ nào bằng vùng biển ở xã chúng tôi. Mùa mưa bão nào cũng phải di dời hàng chục hộ dân qua nơi khác sinh sống. Từ năm 1999 đến nay, đã có gần 200 hộ được dời đến các khu TĐC, chúng tôi cũng đang tiến hành quy hoạch thêm 1,6 ha đất trống để di dời các hộ dân đang có nguy cơ mất nhà trong mùa mưa bão này”.
Tương tự, năm 2011 tại thôn Hải Tiến thuộc thị trấn Thuận An có 15 hộ phải di dời đến nơi TĐC. Tại xã Phú Thuận có 17 hộ dân buộc phải di dời khẩn cấp. “Hiện còn 35 hộ tại thôn An Dương thuộc diện di dời. Xã cũng chuẩn bị sẵn 20 lô đất tại các khu TĐC, sẵn sàng di dời dân khi nước biển ăn sâu thêm vào đất liền”, ông Nguyễn Văn Chường, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết thêm.
Hàng chục căn nhà nằm sát bờ biển Thuận An (Phú Vang, TT- Huế) “thoi thóp” trước nạn sạt lở |
Loay hoay tìm giải pháp
Với chiều dài bờ biển hơn 120km nhưng đến nay tỉnh Thừa Thiên- Huế vẫn chưa có một hệ thống đê, kè nào hoàn chỉnh để chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân mỗi khi có mưa bão. Dù đã đầu tư số tiền không nhỏ để xây dựng 4 mỏ hàn đá bảo vệ bờ biển nhưng chỉ sau một thời gian, số mỏ hàn đá trên tại bờ biển Thuận An đã bị sóng biển đánh sập hoàn toàn. Trước tình cảnh đó, người dân chỉ còn cách vác bao cát đắp đê chắn sóng nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Và cứ đến mùa mưa, khi những con sóng đầu bạc dâng cao ập vào bờ thì cũng là lúc bà con ở thôn Thái Hạ Nam, xã Hải Dương lại kéo tay nhau ra biển để vô bao cát làm đập chắn sóng nhằm bảo vệ cho những căn nhà đang “thoi thóp” chực bị sóng biển cuốn phăng.
Không giấu được nỗi buồn khi phải dời chỗ ở liên tục suốt 3 năm nay, cụ ông Trần Tùng (74 tuổi) chia sẻ cùng chúng tôi: “Làm ngư dân đã khổ mà sống gần biển như chúng tôi lại càng khổ hơn. Ba năm nay, tôi và con cháu trong gia đình đã phải chuyển đến ở 4 nơi nhưng không có nơi nào ở quá 8 tháng chú à. Cứ mùa mưa đến là phải cuốn dọn đồ đạc đi, giờ chỉ mong sao trời đừng có mưa thì họa may chúng tôi không phải chuyển nhà thôi…”.
Chưa bao giờ hàng trăm hộ dân sống ven biển ở Huế lại mong các cấp quan tâm đến công tác bảo vệ bờ biển, làm kè chắn sóng… như lúc này. Ông Trần Đức Duy, Phó Chi cục Phòng chống lụt bão và Quản lí đê điều tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết: “Hiện dọc bờ biển ở nhiều xã trên địa bàn tỉnh đang bị nước biển xâm thực gây sạt lở nghiêm trọng nhưng chỉ có cách xây dựng đê mỏ hàn đá cứng và mỏ hàn mềm mới đem lại hiệu quả. Nhưng với kiểu thời tiết khá phức tạp như ở Huế thì việc nghiên cứu dòng hải lưu, tốc độ dòng chảy, hướng gió… để thực hiện dự án này là rất khó”.
Người dân thôn Thái Hạ Nam, xã Hải Dương chỉ còn cách làm kè chắn sóng bằng đá để chống nạn sạt lở |
Được biết, vào năm 2007, tại bờ biển xã Phú Thuận (Huyện Phú Vang) một loại mỏ hàn mềm Stabinplage chống xói lở và biển xâm thực do công ty Espace Pur (Pháp) thi công được đưa vào thử nghiệm với kinh phí gần 30 tỷ đồng nhưng chỉ một năm đã bị sóng biển đánh tan.
Trước nạn xâm thực và sạt lở trầm trọng tại các vùng biển bãi ngang Thừa Thiên- Huế, ngày 3/11, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã quyết định di dời khẩn cấp 70 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng của vụ sạt lở bờ biển tại xã Hải Dương (huyện Hương Trà, Thừa Thiên-Huế).
Những hộ dân này sẽ được chuyển vào sống ở khu tái định cư xã Hải Dương (thị xã Hương Trà). Khu vực tái định cư rộng 2 ha, có đầy đủ hệ thống giao thông, điện nước, thoát nước với tổng kinh phí khoảng 9,2 tỉ đồng.
Anh Khoa