“Xập xí xập ngầu” trong bữa ăn của học sinh ở Điện Biên Đông

GD&TĐ - Theo quan sát của PV Báo GD&TĐ, sáng Thứ Sáu, bữa ăn của hơn 200 học sinh bán trú tại trường PTDT bán trú Tiểu học Xam Măn (Keo Lôm, Điện Biên Đông, Điện Biên) bị “bớt xén” 2 nghìn đồng/1 học sinh...

Trường Tiểu học Xam Măn
Trường Tiểu học Xam Măn

Nhộm nhoạm 

Sáng 9/10, Báo GD&TĐ có mặt tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học (Tiểu học) Xam Măn, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Do là ngày học cuối cùng của tuần nên học sinh ở đây chỉ học buổi sáng rồi cuối buổi được về nhà nghỉ cuối tuần.

Cuối giờ sáng, gần 230 học sinh bán trú được phân phát 1 gói mì tôm Kokomi và 1 quả trứng vịt/1 học sinh. Dự toán mà nhà trường đưa ra với mì tôm là 4 nghìn đồng/1 gói và 4 nghìn đồng/1 quả trứng. Những học sinh này thuộc diện được hưởng chế độ chính sách dành cho học sinh các trường Phổ thông dân tộc bán trú (Nghị định 116 của Thủ tướng Chính phủ).

Hiệu trưởng nhà trường cho biết, theo định mức, mỗi học sinh được hưởng 596 nghìn đồng/1 tháng (tiền ăn, uống). Nếu chia ra theo định mức 22 ngày học thực tế như Hiệu trưởng Nhà trường nói thì mỗi ngày học sinh được hỗ trợ hơn 27 nghìn đồng/1 ngày. Trong đó, thực tế học sinh ở đây được hưởng 24 nghìn đồng chi phí cho 3 bữa ăn trong ngày (Bữa sáng 4 nghìn đồng, 2 bữa: Trưa, tối mỗi bữa 10 nghìn đồng). Số tiền còn dư sẽ dành cho chi phí mua xà phòng, dầu gội đầu… cho học sinh.

Riêng ngày thứ 6, học sinh chỉ học một buổi nên chỉ tính chi phí cho 2 bữa sáng và trưa. Theo thực đơn bữa ăn trong ngày 9/10/2020 do nhà trường niêm yết thì buổi sáng học sinh được ăn bánh mì (bánh mì/mì tôm đồng giá 4 nghìn đồng/1 chiếc/gói). Còn buổi trưa thì ăn cơm, gà rang gừng và canh rau. Tuy nhiên, thực tế học sinh chỉ được nhận duy nhất 1 gói mì tôm và 1 quả trứng vịt (8 nghìn đồng) cho bữa trưa. Trong khi bảng niêm yết thể hiện học sinh được ăn trưa với giá 10 nghìn đồng/1 học sinh. Nghĩa là mỗi học sinh bị "xén" 2 nghìn đồng.

Ngày 9/10, học sinh không ăn tại trường vì nếu học sinh có ăn thì chẳng biết các em sẽ ăn cơm với món thịt gà rang gừng hay gừng rang thịt gà. Nói vậy bởi thực đơn do nhà trường xây dựng thể hiện mỗi học sinh được ăn với định mức 0,074 kg gà và 0,190 kg gừng. 

Học sinh nhận mì tôm và trứng trước khi về nhà
Học sinh nhận mì tôm và trứng trước khi về nhà

Có việc bớt xén?

Cứ coi như bảng giá thực phẩm do trường Tiểu học Xam Măn niêm yết là đảm bảo thì mỗi Thứ Sáu, 1 học sinh đã mất đi 2 nghìn đồng. Gần 230 học sinh bán trú ở đây sẽ mất đi gần 460 nghìn đồng (theo thực đơn của nhà trường, trong tuần từ 5 - 9/10 học sinh được ăn 3 bữa mì tôm).

Khi phóng viên khảo sát thị trường tại trung tâm huyện Điện Biên Đông cùng thời điểm thì mỗi thùng mì tôm Kokomi (loại 30 gói) có giá bán lẻ là 70 nghìn đồng/1 thùng và bán buôn có giá 65 nghìn đồng/1 thùng. Nghĩa là mỗi 1 gói mì tôm có giá chưa đến 2,2 nghìn đồng. Trong khi trường Tiểu học Xam Măn lại niêm yết với giá 4 nghìn đồng/1 gói (chênh lệch 1,8 nghìn đồng/1 gói).

Lý giải về vấn đề này, thầy giáo Hoàng Ngọc Chìu, hiệu trưởng Nhà trường cho biết, việc “đổi món” cho học sinh trong ngày thứ 6 đã có sự bàn bạc, thống nhất giữa nhà trường và phụ huynh học sinh tại buổi họp phụ huynh gần đây nhất. Tuy nhiên, khi được hỏi cuộc họp phụ huynh được tổ chức vào ngày nào thì thầy Chìu cũng... không nhớ được. Trong khi đó, bảng thực đơn được niêm yết từ ngày 5 - 9/10 (?).

Thực đơn do nhà trường xây dựng
Thực đơn do nhà trường xây dựng

Quan sát thực tế tại kho bếp của nhà trường nhận thấy tại đây có nhiều bộ bàn ghế mới của học sinh đang “đắp chiếu” và để chất đống không sử dụng đến. Trong khi, hiệu trưởng nhà trường cho biết mấy năm học gần đây nhà trường có tờ trình đề nghị cấp mới nhiều bàn ghế và một số thiết bị khác. Khi được hỏi đã đề xuất mua sắm những gì, số lượng bao nhiêu thì hiệu trưởng nhà trường cũng... không nhớ rõ (?).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.