Vụ sát hại 3 cảnh sát ở xã Đồng Tâm: Xét xử 29 bị cáo với nhiều tội danh khác nhau

GD&TĐ - Vụ án tại xã Đồng Tâm vào ngày 9/1/2020 khiến dư luận cả nước rúng động. Các đối tượng cầm đầu lập ra cái gọi là “Tổ đồng thuận” đã lên kế hoạch, dùng vũ khí chống đối lực lượng cảnh sát khiến 3 chiến sĩ thiệt mạng. Ngày mai TAND TP Hà Nội sẽ đưa vụ án ra xét xử phiên sơ thẩm.

Lực lượng cảnh sát trấn áp nhóm chống đối tại xã Đồng Tâm. Ảnh: TTXVN.
Lực lượng cảnh sát trấn áp nhóm chống đối tại xã Đồng Tâm. Ảnh: TTXVN.

Thông tin từ TAND TP.Hà Nội cho biết, ngày mai (7/9) sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 29 bị cáo trong vụ án sát hại 3 chiến sĩ công an xảy ra tại xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội).

Các bị cáo trong vụ án này đều trú tại thôn Hoành và thôn Đồng Mít (cùng thuộc xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). HĐXX bao gồm 5 người và do thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó chánh Tòa Hình sự tòa án Hà Nội làm chủ tọa.

2 kiểm sát viên của Viện KSND cùng cấp sẽ giữ vai trò thực hành công tố và kiểm sát xét xử. 32 luật sư sẽ tranh tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, đương sự.

Vũ khí "Tổ đồng thuận" sử dụng để chống trả lực lượng công an. Ảnh: TPO.
Vũ khí "Tổ đồng thuận" sử dụng để chống trả lực lượng công an. Ảnh: TPO.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP.Hà Nội, 25 bị cáo bị cáo buộc về các tội “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ”.

Danh sách 25 bị cáo gồm: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Văn Duệ, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tuấn, Trình Văn Hải, Nguyễn Xuân Điều, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan và Nguyễn Văn Trung.

4 bị cáo gồm: Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung và Trần Thị Phượng bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ” theo Khoản 2, Điều 330 Bộ luật Hình sự.

Cáo trạng của VKSND cùng cấp thể hiện: Đất cánh đồng Sênh ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là đất Quốc phòng nhưng các bị cáo trong vụ án vẫn thực hiện hành vi lấn chiếm, đòi quyền sử dụng.

Trước đó, các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Thanh tra TP.Hà Nội đã có kết luận về việc này. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã tổ chức đối thoại với người dân xã Đồng Tâm nhưng bất thành.

Quả lựu đạn trên tay đối tượng Lê Đình Kình. Ảnh: VNE.
Quả lựu đạn trên tay đối tượng Lê Đình Kình. Ảnh: VNE.

Năm 2013, ông Lê Đình Kình (SN 1936, ở thôn Hoành) khi còn sống đã cùng Lê Đình Công, Nguyễn Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển và một số đối tượng lập ra cái gọi là “Tổ Đồng thuận” nhằm chiếm lại đất đồng Sênh để chia nhau sử dụng.

Quan điểm của bản cáo trạng thể hiện, nhóm người này thường xuyên lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện phức tạp về việc quản lý, sử dụng đất của chính quyền xã Đồng Tâm; sử dụng mạng xã hội tuyên truyền sai sự thật về nguồn gốc đất, đưa ra những thông tin không có thật…

Từ năm 2017 đến 2020, chủ mưu là ông Lê Đình Kình đã chỉ đạo “Tổ Đồng thuận” và nhiều đối tượng khác tiến hành gây rối trật tự, thậm chí bắt giữ hàng chục cán bộ, chiến sĩ cảnh sát.

Bên cạnh đó, “Tổ đồng thuận” còn quyết liệt gây rối, ngăn cản các cuộc họp của chính quyền địa phương, đe dọa người đồng tình cho chính quyền sử dụng đất.

Nghiêm trọng hơn, nhóm người này chuẩn bị bom xăng, lựu đạn, pháo… sẵn sàng chống trả cảnh sát nếu bị cưỡng chế, thậm chí còn tuyên bố nếu công an đưa lực lượng về Đồng Tâm sẽ bị tiêu diệt từ 300 người đến 500 người.

Rạng sáng ngày 9/1/2020, sự chống đối của nhóm người này lên tới đỉnh điểm khi thấy cảnh sát tiến hành chốt cổng thôn Hoành (cách nhà ông Kình khoảng 50 mét) để bảo vệ mục tiêu, 2 đối tượng Bùi Văn Niên và Lê Đình Quân đánh kẻng báo động, bắn pháo ra hiệu và dùng gạch đá, bom xăng, dao gậy... để tấn công lực lượng cảnh sát...

Viện KSND TP.Hà Nội khẳng định, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, 3 chiến sĩ cảnh sát là Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy, Dương Đức Hoàng Quân bị các đối tượng tấn công bằng xăng. Hậu quả đau lòng là 3 cảnh sát tử vong do ngạt khí và cháy than hóa toàn thân.

Đối tượng cầm đầu là Lê Đình Kình chống trả quyết liệt. Khi cảnh sát phá khóa cửa ngách đã thấy đối tượng Kình cầm 1 quả lựu đạn và hô hào chống đối. Vì vậy, cảnh sát đã nổ súng 2 lần khiến đối tượng Kình bị thương và tử vong sau đó.

Viện KSND TP.Hà Nội khẳng định việc lực lượng chức năng nổ súng trong trường hợp này là đúng quy định của pháp luật.

Ông Lê Đình Kình được xác định là chủ mưu trong vụ án nhưng do đã chết nên cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” với các bị can Lê Đình Công và Lê Đình Quang.

Dự kiến phiên xét xử sơ thẩm sẽ diễn ra trong 10 ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ