Tiếp tục xét xử vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG: Cáo trạng chưa quy kết Nguyễn Bắc Son giữ vai trò chủ mưu

GD&TĐ - Bị cáo Phạm Đình Trọng: “Nếu cứ áp dụng đúng luật khi mua bán cổ phần thì khả năng 100% các doanh nghiệp Nhà nước đều bị khởi tố như tôi đứng ở đây”. Trong đại án này có sự “liên đới” của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Công an. Gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã khắc phục được 21 tỉ đồng cho Nhà nước

Tiếp tục xét xử vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG: Cáo trạng chưa quy kết Nguyễn Bắc Son giữ vai trò chủ mưu

Ngày 23/12, đối đáp với người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son về việc bị cáo này không phải người chủ mưu, cầm đầu, đại diện cơ quan nắm quyền công tố tại tòa khẳng định: Cáo trạng cũng như bản luận tội chưa bao giờ quy kết Nguyễn Bắc Son giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu. VKS chỉ đánh giá Nguyễn Bắc Son là người định hướng, chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt trong quá trình thực hiện dự án.

Nếu đúng luật thì ai cũng bị khởi tố như tôi!

Trong đại án này, tại Bộ TT&TT, ngoài Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn còn có Phạm Đình Trọng - cựu Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp phải ra toà. Bị cáo Trọng có vai trò không nhỏ trong “thương vụ bẩn”. Trọng bị đề nghị mức án 5 - 6 năm tù cho tội danh Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.

Tự biện hộ về hành vi của mình trước HĐXX, Trọng cho rằng: “Trong vụ Mobifone mua AVG, các cơ quan Nhà nước đều lúng túng trong áp dụng pháp luật, nhất là quy định mới. Nếu cứ áp dụng đúng luật khi mua bán cổ phần thì khả năng 100% các doanh nghiệp Nhà nước đều bị khởi tố như tôi đứng ở đây”.

Bị cáo Trọng biện hộ, theo Luật số 67, Bộ KH&ĐT là cơ quan chủ trì thẩm định, phải trình Thủ tướng để phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Nhưng cơ quan này không đứng ra thẩm định, không có bất cứ một yêu cầu nào. Bộ KH&ĐT lại đưa ra ý kiến tham mưu cho Thủ tướng chấp thuận chủ trương khiến Bộ TT&TT hiểu nhầm và làm sai.

Xin nhắc lại vai trò của bị cáo Phạm Đình Trọng trong vụ án này. Cụ thể, ngày 27/01/2015, Lê Nam Trà - cựu Chủ tịch HĐTV Mobifone, có Văn bản số 337/MOBIFONE-ĐHKT trình Bộ TT&TT, xin phê duyệt chủ trương cho Mobifone đầu tư dịch vụ truyền hình theo phương thức mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số.

Sau đó, theo sự chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son, ngày 3/2/2015 Phạm Đình Trọng lập Phiếu trình đề nghị cho Mobifone được thực hiện chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình. Theo phương thức mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số mà không yêu cầu Mobifone lập dự án đầu tư mới để có căn cứ so sánh, lựa chọn phương án đầu tư.

Đề xuất của Phạm Đình Trọng được Nguyễn Bắc Son đồng ý và giao cho ký văn bản trả lời Mobifone. Ngày 6/2/2015, Phạm Đình Trọng đã có Văn bản số 408/BTTTT-QLDN thống nhất chủ trương đầu tư theo đề xuất của Mobifone.

Tại thời điểm này, giữa AVG và Mobifone chưa tiến hành thảo luận việc mua bán nhưng ngày 5/3/2015, Phạm Đình Trọng đã lập Phiếu trình có nội dung: “Công ty AVG đã trao đổi, làm việc với Mobifone và thống nhất sẽ chuyển nhượng cổ phần của AVG cho Mobifone”.

Phạm Đình Trọng cũng đề xuất Mobifone và AVG không thông tin, tuyên truyền về giao dịch. Trọng cũng đề xuất đưa giao dịch này vào danh mục “Mật” của Nhà nước. Việc đề xuất của Phạm Đình Trọng đã được Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đồng ý. Ngày 5/3/2015, Trương Minh Tuấn có Văn bản số 44/BTTTT-QLDN gửi Bộ Công an đề xuất đưa dự án vào danh mục tài liệu “Mật”.

Mãi đến ngày 10/3/2015, Nguyễn Bảo Long - Phó Tổng Giám đốc Mobifone mới ký Văn bản số 835/MOBIFONE-ĐHKT trình Bộ TT&TT, xin phê duyệt cho Mobifone ký bản ghi nhớ mua cổ phần của AVG.

Đến 12/3/2015, chính Phạm Đình Trọng ký Văn bản số 59/BTTTT-QLDN đồng ý cho Mobifone ký bản ghi nhớ việc mua cổ phần của AVG. Phạm Đình Trọng cũng là người sử dụng thông tin chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở để nhận xét đánh giá về giá mua trong báo cáo thẩm định như sau: “Sau nhiều vòng đàm phán AVG đã chào bán 95% cổ phần của AVG là 8.898,3 tỷ đồng.

Phương án giá này thấp hơn khoảng 7.000 tỷ đồng so với mức giá thấp nhất do tổ chức thẩm định giá đưa ra và thấp hơn khoảng 300 triệu đô la Mỹ so với mức giá AVG báo cáo bán cho đối tác nước ngoài…”.

Có trách nhiệm của các bộ ngành liên quan

Trong đại án Mobifone mua 95% cổ phần AVG đang diễn ra cho thấy sai phạm có tính hệ thống, xuyên suốt ở Bộ TT&TT và đơn vị trực thuộc là Mobifone. Trong sai phạm lớn này có sự “liên đới” của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Công an.

Quá trình giải quyết vụ án này xác định: Trước khi ban hành QĐ số 236 ngày 21/12/2015 phê duyệt dự án Mobifone mua cổ phần của AVG, Bộ TT&TT có văn bản xin ý kiến của các Bộ chuyên ngành.

Bộ KH&ĐT có Văn bản số721 ngày 24/11/2015, Bộ Tài chính có Văn bản số 1095 ngày 18/12/2015, Bộ Công an có Văn bản số 2889 ngày 21/12/2015 trả lời Bộ TT&TT.

Bộ TT&TT đã căn cứ vào các văn bản nêu trên để ban hành QĐ số 236 ngày 21/12/2015 phê duyệt dự án Mobifone mua Truyền hình AVG. Tài liệu điều tra đã xác định được các cá nhân là lãnh đạo Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính… đã chưa làm đúng nhiệm vụ, quyền hạn, ban hành các văn bản trả lời Bộ TT&TT không đúng quy định.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các bị can ở Bộ TT&TT dựa vào để ban hành QĐ trái pháp luật. Nó gián tiếp gây ra các thiệt hại về vật chất, tổn hại đến uy tín của Cơ quan quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, do tài liệu điều tra chưa xác định được trách nhiệm trực tiếp của các cá nhân có liên quan đối với hậu quả của vụ án, đồng thời thiệt hại về vật chất đã được khắc phục trước khi khởi tố vụ án; các cá nhân vi phạm đã bị xử lý kỷ luật Đảng, xử lý trách nhiệm hành chính nghiêm khắc nên không xử lý trách nhiệm hình sự.

Tuy không xử lý trách nhiệm hình sự, nhưng nhìn vào nội dung vụ án, diễn biến phiên xử cho thấy “lỗi hệ thống” đã dẫn đến hệ quả như ngày hôm nay.

Gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã khắc phục được 21 tỉ đồng
“Cuối giờ chiều 23/12, HĐXX cho biết, gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã khắc phục được 21 tỉ đồng cho Nhà nước. Trước đó, HĐXX tạm nghỉ một ngày xét xử để bị cáo Nguyễn Bắc Son gặp gia đình trao đổi về việc khắc phục hậu quả”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ