Tiếp bài “Ai đứng sau dự án Khu nhà ở Tân Thanh – Điện Biên?”: Liên Sở “đỡ đầu” sai phạm?

GD&TĐ - Chưa được phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng (GPMB), chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chủ đầu tư đã chi trả kinh phí, bàn giao mặt bằng từng phần.

Chủ đầu tư “vẽ” ra những hạng mục hấp dẫn khi chào mời đối tác.
Chủ đầu tư “vẽ” ra những hạng mục hấp dẫn khi chào mời đối tác.

Người chủ trì thiết kế dự án chưa có chứng chỉ hành nghề, không có tên trong hồ sơ năng lực của đơn vị tư vấn... Rất nhiều sai phạm xảy ra tại dự án Khu nhà ở Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ…

Non kém, hay… cố ý làm ngơ?

Như Báo GD&TĐ đã phản ánh, dự án Khu nhà ở Tân Thanh (TP Điện Biên Phủ) do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Công nghệ môi trường (Cty ĐTXD&CNMT) tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư.

Dự án chậm tiến độ đã gần 1 năm, song đến nay vẫn còn dang dở, nham nhở như chuột gặm. Không ít phụ huynh đã trót “ném” tiền vào đây góp vốn. Tiền mất, tật vẫn mang. Rất nhiều sai phạm đang hiện hữu tại dự án “kiểu mẫu” này.

Trong quá trình lập, thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trước đề xuất của chủ đầu tư, UBND tỉnh Điện Biên đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND TP Điện Biên Phủ.

Mục đích là làm rõ những tác động của dự án đối với kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời rà soát, đánh giá các quy trình, thủ tục đã triển khai, các điều kiện về chuẩn bị đầu tư của nhà đầu tư theo quy định…

Thế nhưng, việc rà soát, đánh giá các điều kiện chuẩn bị của nhà đầu tư từ phía các sở lại không đầy đủ theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Một số tồn tại chưa được tổng hợp, thẩm định đánh giá để tham mưu trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh kịp thời.

Có những nội dung điều chỉnh được xem xét, thẩm định đánh giá chưa đầy đủ theo quy định. Cụ thể như chưa thẩm định, đánh giá sự phù hợp về mức vốn đầu tư phần hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Chưa xác định rõ nguồn vốn chủ sở hữu và đánh giá về cơ cấu, tỷ lệ các nguồn vốn chủ sở hữu trên tổng mức vốn đầu tư của dự án sau khi điều chỉnh. Đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án dựa trên số tiền thu sử dụng đất tạm tính phải nộp thiếu chính xác do chênh lệch làm tròn số liệu giá đất.

Việc chấp hành quy định về cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép xây dựng cũng có vấn đề. Sở KH&ĐT tiếp nhận thẩm định, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, song các thông số lại không phù hợp với quy mô, mục tiêu, tổng vốn đầu tư của dự án đã được chấp thuận.

Nó cũng không phù hợp với quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Điện Biên. Dự án đã được Sở này kiểm tra, song chưa phản ánh, đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình thực hiện dự án theo đăng ký đầu tư và có biện pháp kiến nghị xử lý kịp thời theo quy định.

Sở Xây dựng Điện Biên cho rằng, dự án này được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư nên thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng. Nghĩa là Sở Xây dựng đã “cho phép” nhà đầu tư làm trái với quy định của pháp luật.

Nói vậy, bởi khi đối chiếu với trình tự, thủ tục đầu tư dự án xây dựng được quy định tại Luật Xây dựng 2014, Luật Nhà ở 2014 thì dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở Tân Thanh không thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của UBND tỉnh. Do đó, dự án không thuộc đối tượng miễn cấp phép xây dựng.

Nhiều phụ huynh dồn tiền mua đất, song đất không thấy, tiền cũng chưa thể “thu hồi”.
Nhiều phụ huynh dồn tiền mua đất, song đất không thấy, tiền cũng chưa thể “thu hồi”.

Không bằng cấp vẫn thiết kế dự án!

Dự án Khu nhà ở Tân Thanh được quy hoạch và chấp thuận đầu tư với diện tích sử dụng đất là 49.120m2, thực hiện cơ chế thu hồi, giao đất, cho thuê đất và bồi thường, hỗ trợ GPMB, tái định cư theo các Quyết định 826, 827 của UBND tỉnh Điện Biên.

Dự án đã được UBND tỉnh thu hồi và giao đất tại Quyết định 1095 ngày 28/10/2015. Diện tích thu hồi là 41.218,1m2, trong đó đất hộ gia đình và cá nhân là: 40.799,4m2; đất giao thông, thủy lợi là 418,7m2. Còn hơn 7.900m2 trong quy hoạch dự án vẫn chưa thu hồi, giao chủ đầu tư thực hiện.

Quá trình GPMB và bàn giao đất trên thực địa cho chủ đầu tư, UBND TP Điện Biên Phủ chưa tuân thủ đúng các trình tự, thủ tục quy định. Điển hình như việc thành phố đã tổ chức chi trả kinh phí và bàn giao mặt bằng từng phần cho chủ đầu tư khi chưa phê duyệt phương án bồi thường GPMB.

Tại thời điểm đó vẫn chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Mặt bằng được bàn giao trong khi chưa thiết lập đầy đủ biên bản bàn giao tổng thể mặt bằng và tổng diện tích đất trên thực địa.

Đáng chú ý, quá trình triển khai, chủ đầu tư đã tự ý hoán đổi 437m2 đất được giao thực hiện dự án với diện tích đất của Trường Mầm non Hoa Mai quản lý. Diện tích được hoán đổi nằm ngoài ranh giới đất được giao cho dự án.

Quá trình chủ đầu tư thực hiện dự án, Sở TN&MT và UBND TP Điện Biên Phủ không tiến hành kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý đối với những vi phạm của chủ đầu tư trong quản lý, sử dụng diện tích đất được giao theo quy định…

Trong công tác lập, thẩm định thiết kế cơ sở, chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ và chưa tuân thủ các quy định. Có thể kể ra như: Chủ đầu tư chưa thiết lập đầy đủ, kịp thời hồ sơ quản lý chất lượng khảo sát của dự án.

Không có thiết kế cơ sở đối với công trình nhà ở, công cộng và dịch vụ thương mại theo nội dung đầu tư của dự án. Chủ trì thiết kế chưa có các văn bằng chứng chỉ hành nghề theo quy định. Đặc biệt, người này cũng không có trong danh sách cán bộ chủ chốt, cộng tác viên trong hồ sơ năng lực của đơn vị tư vấn.

Điều hết sức khó tin trong câu chuyện này lại xảy ra với chính cơ quan quản lý, đó là Sở Xây dựng Điện Biên. Sở này không cần lấy ý kiến tham gia của cơ quan quản lý chuyên ngành về thiết kế cơ sở đối với hạng mục đường dây tải điện, trạm biến áp khi thẩm định thiết kế cơ sở điều chỉnh. Điều này trái với quy định của Nghị định 59/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Trong việc này, còn có chuyện “nhắm mắt”, “bịt tai” của cơ quan chuyên môn trong quá trình thẩm định tổng mức đầu tư điều chỉnh khiến cho chi phí triển khai tăng lên hàng chục tỷ đồng. Báo GD&TĐ sẽ tiếp tục thông tin!

Dự án Khu nhà ở Tân Thanh do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Công nghệ môi trường tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư.
Người đại diện pháp lý: Trịnh Văn Công (SN 1983); Chức vụ: Tổng Giám đốc
Dự án triển khai trên diện tích 49.120m2 với tổng vốn đầu tư: Hơn 73 tỷ đồng. 
Sau khi điều chỉnh, dự án có tổng mức: Hơn 342 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện: Tháng 8/2016 - quý II/2020.
Cơ quan chuyên môn:
- Thẩm định, chấp thuận thiếu căn cứ chi phí bồi thường, hỗ trợ TĐC chênh lệch với phương án được duyệt: 16,9 tỷ đồng.
- Chấp thuận thiếu căn cứ chi phí đổ thải: 36,9 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.