Sau khi viết bài về hoạt động đấu giá của Cty Kinh Bắc: Phóng viên bị dọa giết!

GD&TĐ - Sau khi báo GD&TĐ đăng bài viết: “Công ty Kinh Bắc: Thông đồng với người đấu giá gây thất thoát tài sản Nhà nước”, phóng viên đã bị dọa giết, "xử" người thân...

Trụ sở Công ty đấu giá hợp danh Kinh Bắc.
Trụ sở Công ty đấu giá hợp danh Kinh Bắc.

Từ bất minh trong phiên đấu giá…

Trước đó, nhóm phóng viên của Báo GD&TĐ được giao xác minh, làm rõ những thông tin liên quan đến Công ty đấu giá hợp danh Kinh Bắc (địa chỉ tại số 39 đường Ngô Tất Tố, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong nhiều phiên tổ chức bán đấu giá tài sản.

Ngày 26/10/2020, trong vai khách hàng, phóng viên đến trụ sở Công ty đấu giá hợp danh Kinh Bắc đăng kí, nộp hồ sơ và nộp tiền đặt cọc tham gia đấu giá tài sản là 189 xe mô tô, xe máy vi phạm. Chủ tài sản là Công an huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh), giá khởi điểm cho lô xe máy trên là 189.100.000 đồng (một trăm tám mưới chín triệu, một trăm nghìn đồng).

Phiên đấu giáđược công ty Kinh Bắc tổ chức vào 9h sáng Thứ Bảy (31/10/2020) tại Hội trường UBND phường Suối Hoa (TP Bắc Ninh). Phiên đấu giá này do ông Trịnh Đăng Nghiệp, Giám đốc công ty Đấu giá hợp danh Kinh Bắc làm đấu giá viên, điều hành phiên đấu giá.

Theo đó, phiên đấu giá đã diễn ra hết sức chóng vánh bởi trước đó những khách hàng đến tham gia phiên đấu giá đều được một nhóm người lạ “nhắc nhở” phải nhường cho người đàn ông tên Toán (còn gọi Toán đầu bạc) trúng đấu giá!?

Tại phiên đấu giá này có sự tham gia của khoảng 50 khách nhưng chỉ có 4 người “dám” đứng dậy trả giá với 4 bước giá (tương đương 8 triệu đồng) và người ông tên Toán là người thứ 5 trả với mức giá 210 triệu đồng (chênh với giá khởi điểm khoảng 18 triệu đồng).

Sau đó, ông Trịnh Đăng Nghiệp – Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Kinh Bắc kiêm đấu giá viên điều hành phiên đấu giá, tuyên bố ông Toán là người trúng đấu giá 189 xe mô tô, xe máy với giá sau cùng là 210 triệu đồng.

Kết thúc phiên đấu giá, ông Trịnh Đăng Nghiệp (Giám đốc công ty Kinh Bắc) đã xuất hiện bên cạnh một nhóm người lạ trao đổi bàn bạc. Tiếp đó, một người trong nhóm này cầm danh sách khách tham gia phiên đấu giá đọc và “phát lương” cho mỗi người 1,2 triệu đồng(!).

Theo tài liệu nhóm phóng viên ghi lại được, khi đó ông Trịnh Đăng Nghiệp - Giám đốc Công ty Kinh Bắc kiêm đấu giá viên điều hành phiên đấu giá, cũng có mặt, cũng biết sự việc.

...đến việc phóng viên bị dọa giết

Nhận thấy sự việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây thất thoát tài sản Nhà nước, nên khi ra khỏi trụ sở UBND phường Suối Hoa, nhóm phóng viên đã liên hệ ngay với Đại tá Phạm Thế Tùng – Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh thông báo sự việc.

Theo hướng dẫn của Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, nhóm phóng viên đã đến Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu (PC03) – Công an tỉnh Bắc Ninh trình báo sự việc.

Ngày 2/11/2020, báo Giáo dục và Thời đại đã đăng tải bài viết: “Công ty Kinh Bắc: Thông đồng với người đấu giá gây thất thoát tài sản Nhà nước”. Sau khi bài báo được đăng tải, vào lúc 9h46’ ngày 3/11/2020, số điện thoại 0377716xxx đã gọi đến số điện thoại của phóng viên, khi nghe máy thì người gọi đến nói rất to: “Đúng thằng này rồi, số máy nó đây, để đó tao xử lý…”, rồi cúp máy.

Tiếp đó, vào ngày 7/11/2020, một số điện thoại khác (0343042xxx) gọi 4 lần liên tiếp vào số điện thoại của phóng viên (vào lúc 19h27’, 19h28’, 19h29; 19h30’) với những lời lẽ đe dọa sặc mùi "xã hội đen".

Cụ thể, chủ nhân của số máy này đã lớn tiếng dọa nạt phóng viên, yêu cầu phóng viên “nổ địa chỉ” để anh ta tìm đến “xử tại chỗ”. Sau khi dùng nhiều lời lẽ đe dọa ép phóng viên đến gặp không được, đối tượng lạ mặt gằn giọng nói: “Tao biết nhà mày ở đâu, cơ quan mày ở đâu rồi. Mày cứ cẩn thận, tao sẽ xử…”.

Ngay sau khi bị đe dọa, phóng viên của báo Giáo dục và Thời đại đã lập tức báo cáo toàn bộ sự việc với Ban Biên tập.

Theo đúng lịch hẹn, ngày 9/11/2020, nhóm phóng viên của Báo GD&TĐ tiếp tục có buổi làm việc lần thứ 2 với Công an tỉnh Bắc Ninh về những dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty Kinh Bắc.

Trong buổi làm việc này, ngoài việc xác minh hình ảnh, tài liệu có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty Đấu giá hợp danh Kinh Bắc và của ông Trịnh Đăng Nghiệp, phóng viên đã viết đơn trình báo và đề nghị Công an tỉnh Bắc Ninh xác minh những số điện thoại gọi đến đe dọa và đề nghị cơ quan này có biện pháp bảo vệ tính mạng cho phóng viên và người thân.

Theo tìm hiểu của phóng viên, luật đấu giá tài sản quy định rõ: danh tính, số điện thoại và địa chỉ của khách tham dự đấu giá thì chỉ đơn vị tổ chức phiên đấu giá (Công ty Kinh Bắc) được phép quản lý. Vậy tại sao số điện thoại và địa chỉ của phóng viên lại bị tiết lộ, bị các đối tượng lạ mặt gọi điện đe dọa. Vậy lý do gì Công ty Đấu giá hợp danh Kinh Bắc với mục đích gì lại để lộ lọt thông tin trên!?

Báo GD&TĐ đề nghị Công an tỉnh Bắc Ninh nhanh chóng vào cuộc xác minh làm rõ những đối tượng liên quan và có biện pháp bảo vệ tính mạng cho nhóm phóng viên thực hiện bài viết này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...