Phản hồi bài viết Bất thường việc áp thang điểm thi tuyển giáo viên ở Vĩnh Phúc

GD&TĐ - Phản hồi của Trường CĐ Vĩnh Phúc khẳng định các khâu trong kì thi tuyển được thực hiện chặt chẽ.

Một góc Trường CĐ Vĩnh Phúc.
Một góc Trường CĐ Vĩnh Phúc.

Ngày 1/12/2020, Báo GD&TĐ đăng bài viết phản ánh những thắc mắc của thí sinh trong kỳ thi tuyển giáo viên mầm non năm 2020 tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, năm 2020, kỳ thi tuyển giáo viên tại Vĩnh Phúc được giao cho các huyện, thành phố tổ chức. Nhiều địa phương trong tỉnh đã ký hợp đồng với Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc triển khai một số công việc như ra đề, chấm thi và trả kết quả thi...

Sau khi kỳ thi kết thúc, một số thí sinh thắc mắc về việc áp thang điểm không đồng nhất giữa các huyện. Có thí sinh nghĩ rằng, thang điểm áp có “bất thường” vì khi huyện Bình Xuyên công bố kết quả thi vòng điều kiện, một số thí sinh được trên 50 điểm thi (thang điểm 100) nhưng không đạt vì không đủ 50% số câu trả lời đúng theo công bố kết quả lần sau của huyện này. Ngoài ra, bài viết cũng phản ánh việc chậm cung cấp thông tin từ lãnh đạo Trường CĐ Vĩnh Phúc.

Văn bản của Trường CĐ Vĩnh Phúc gửi hội đồng tuyển dụng giáo viên các huyện.
Văn bản của Trường CĐ Vĩnh Phúc gửi hội đồng tuyển dụng giáo viên các huyện.

Sau đó, Hiệu trưởng Trường CĐ Vĩnh Phúc đã liên hệ và làm rõ những nội dung Báo GD&TĐ phản ánh. Theo đó, các khâu trong kỳ thi tuyển giáo viên được triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, chưa phát hiện tiêu cực. Quá trình làm đề, quét bài thi... đều có sự chứng kiến, giám sát của Công an tỉnh Vĩnh Phúc. 

Do thời gian thi của các huyện khác nhau, đơn cử như huyện Bình Xuyên và Lập Thạch. Huyện Lập Thạch tổ chức thi vòng điều kiện sau huyện Bình Xuyên nên khi công bố kết quả thi vòng điều kiện của huyện Lập Thạch có cả số câu trả lời đúng và điểm số.

Việc áp thang điểm của các đơn vị thi sau cũng đã được điều chỉnh (thang điểm áp tại huyện Lập Thạch là thang điểm 100 chia đều cho 30 câu, huyện Bình Xuyên không chia đều điểm cho 30 câu - PV). Ban đầu, việc áp thang điểm của 4 huyện là Bình Xuyên, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc là đồng nhất.

Về việc chậm cung cấp thông tin cho Báo GD&TĐ, theo lãnh đạo Trường CĐ Vĩnh Phúc, trong hợp đồng ký kết với các đơn vị có nội dung bảo mật thông tin về đơn vị ra đề, chấm thi... Bởi thế, giai đoạn đó nhà trường chưa thể cung cấp thông tin cho Báo để bảo đảm tính bảo mật theo nguyên tắc của hợp đồng đã ký kết.

Về chấm thi và công bố điểm thi, việc chấm thi được thực hiện bằng máy tính. Chức năng của phần mềm chấm thi gồm phần tính điểm và phần tính số câu trả lời đúng. Ban đầu, bộ phận kỹ thuật chỉ tích vào phần tính điểm mà không tích vào phần tính số câu trả lời đúng.

Do vậy, kết quả cho ra chỉ là điểm số. Sau khi trả kết quả về 4 huyện, nhà trường đã phát hiện ra và điện thoại thông báo để các địa phương biết, đồng thời yêu cầu hạ kết quả đã thông báo. 

Đến ngày 4/9, Trường CĐ Vĩnh Phúc đã có Văn bản số 137/CĐVP-ĐT về việc trả kết quả thi vòng 1 kỳ thi tuyển giáo viên mầm non 2020. Trong văn bản này có đoạn nêu: “Ngày 27/8/2020 nhà trường đã bàn giao kết quả các môn thi (theo số điểm của từng bài thi). Vòng 1 cho các đơn vị nhưng chưa có số câu trả lời đúng. Vì vậy đề nghị hội đồng không sử dụng kết quả này trong xét tuyển.

Căn cứ vào Điểm d, Khoản 1, Điều 7 của Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018, kết quả thi vòng 1 tính theo số câu trả lời đúng, vì vậy, Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc thực hiện trả việc trả kết quả thi trắc nghiệm vòng 1 kỳ thi tuyển giáo viên mầm non năm 2020 theo số câu trả lời đúng cho các hội đồng tuyển dụng. Đây là kết quả cuối cùng của kỳ thi để hội đồng tuyển dụng các huyện làm căn cứ xét tuyển”.

Báo GD&TĐ sẽ tiếp tục vụ việc nếu còn nhận được những phản ánh hoặc bằng chứng về sự thiếu minh bạch của kỳ thi trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?