Phải trả lại tiền cọc vì đất đã quy hoạch vẫn đem bán

GD&TĐ - Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TPHCM vừa bác kháng nghị của Viện KSND Cấp cao tại TPHCM, giữ nguyên án phúc thẩm của TAND TPHCM giải quyết một vụ tranh chấp hợp đồng đặt cọc.

Một đoạn trong văn bản kết luận của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TPHCM. Ảnh: Như Ý
Một đoạn trong văn bản kết luận của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TPHCM. Ảnh: Như Ý

Theo đó, nguyên đơn phải trả lại tiền cọc hơn 5,6 tỷ đồng vì tại thời điểm nhận cọc thì toàn bộ diện tích đất đều đã quy hoạch cho mục đích công cộng.

Theo hồ sơ vụ án, vợ chồng ông Nguyễn Văn Đ là chủ sử dụng 21.811 m2 đất ở Quận 2, TPHCM. Ngày 27/4/2017, ông bà ký hợp đồng đặt cọc có công chứng, đồng ý chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất này cho ông Trần Đình Q với giá hơn 56 tỷ đồng. Ông Q đã đặt cọc hơn 5,6 tỷ đồng.

Hai bên thỏa thuận: Hợp đồng chuyển nhượng sẽ được công chứng ngày 15/5/2017, nếu phía ông Đ không tiếp tục thực hiện việc chuyển nhượng thì đền gấp đôi tiền cọc đã nhận; nếu ông Q từ chối thực hiện hợp đồng hoặc không bảo đảm đúng tiến độ thanh toán thì bị mất tiền cọc đã giao…

Ngày 15/5/2017, vợ chồng ông Đ đến văn phòng công chứng đợi đến hết giờ làm việc buổi chiều nhưng ông Q không đến. Sau đó, vợ chồng ông Đ khởi kiện yêu cầu hủy bỏ hợp đồng đặt cọc, không đồng ý trả lại tiền cọc.

Ra tòa, phía bị đơn Trần Đình Q giải thích việc ông không đến công chứng hợp đồng chuyển nhượng là do khi nhận tiền cọc, vợ chồng ông Đ cho biết mục đích sử dụng hiện tại là đất trồng cây lâu năm và quy hoạch của khu đất này là đất ở.

Sau khi ký hợp đồng đặt cọc, ông Q liên hệ với Phòng Quản lý đô thị của quận và tổ địa chính của phường thì được biết toàn bộ khu đất đều đã được quy hoạch cho mục đích công cộng. Vì vậy, ông Q đề nghị tuyên bố hợp đồng đặt cọc vô hiệu do bị lừa dối.

Ngày 17/1/2019, TAND Quận 2 chấp nhận yêu cầu khởi kiện, hủy hợp đồng đặt cọc, nguyên đơn không phải trả lại tiền cọc. Đến ngày 3/7/2019, TAND TPHCM chấp nhận kháng cáo của bị đơn, buộc nguyên đơn trả lại tiền cọc. Nguyên đơn có đơn đề nghị xem xét án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm. Ngày 5/6/2020, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM kháng nghị, đề nghị hủy án phúc thẩm, giữ nguyên án của TAND Quận 2.

Văn bản của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TPHCM nhận xét: Căn cứ đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 khu dân cư đã được phê duyệt thì thời điểm ông Q đặt cọc, toàn bộ diện tích đất này đều đã quy hoạch đường giao thông, công viên cây xanh, đất sân bãi, trường trung học, trường tiểu học theo Quyết định 5044 ngày 16/9/2013 của UBND TPHCM.

Theo hợp đồng đặt cọc thì nguyên đơn chỉ cam đoan tài sản không có tranh chấp, không bị kê biên. Tuy nhiên, nguyên đơn không cam kết về tài sản có bị quy hoạch hay không. Đồng thời trên 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng không thể hiện đất bị quy hoạch nên khi kiểm tra giấy tờ, ông Q không biết.

Từ đó, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TPHCM cho rằng TAND Quận 2 nhận định hai bên đã ấn định ngày ký công chứng chuyển nhượng đất nhưng ông Q không đến là ông Q có lỗi, phải chịu mất tiền cọc.

Nhận định này của TAND Quận 2 không đúng với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Không có chứng cứ nào xác định nguyên đơn có báo cho bị đơn biết việc đất bị quy hoạch. Vì lẽ đó, tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm và tuyên nguyên đơn phải trả lại tiền cọc là đúng.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.