Nhóm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng facebook đã ra tay như thế nào?

Nhóm nghi can lừa đảo qua mạng bị Công an Thanh Hóa bắt giữ.
Nhóm nghi can lừa đảo qua mạng bị Công an Thanh Hóa bắt giữ.

Nhóm nghi phạm lừa đảo bị bắt giữ

Theo đó, nhóm lừa đào bằng chiêu thức này có 5 nghi phạm, gồm: Võ Văn Tuấn Kiệt (23 tuổi), Trần Quang (27 tuổi), Trương Đức Huy (20 tuổi), Huỳnh Văn Lâm (22 tuổi), đều trú tại tỉnh Quảng Nam và Nguyễn Văn Thanh (20 tuổi, trú tại TP. Đà Nẵng) để điều tra về hành vi “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Theo kết quả điều tra ban đầu của công an, thời gian qua, Võ Văn Tuấn Kiệt đã cùng với 4 nghi phạm trên mua các trang web “sukien26.com”, “quatang152.com”, “monquavn25.com”, rồi soạn thư trúng thưởng với nội dung: “Xin chúc mừng tài khoản facebook của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ tuần lễ tri ân khách hàng năm 2019 trên trang web “sukien26.com”, kèm mã số trúng thưởng và giải thưởng gồm 1 xe máy Honda SH 150i Việt Nam, 1 phiếu quà tặng tiền mặt trị giá 250 triệu đồng và 1 phiếu đổ xăng miễn phí trị giá 5 triệu đồng.

Sau khi có tên miền, nhóm nghi phạm nêu trên đã mua hàng trăm tài khoản mạng xã hội facebook với giá 10.000đồng/1 tài khoản, rồi đổi tên hiển thị của các tài khoản này thành tên messenger Việt Nam. Từ đó, nhóm của Võ Văn Tuấn Kiệt dùng tài khoản messenger Việt Nam  gửi tin nhắn trúng thưởng soạn sẵn đến các tài khoản có tên trong danh sách bạn bè. Khi có người liên lạc lại, các thành viên trong nhóm  Võ Văn Tuấn Kiệt sẽ hướng dẫn họ đăng nhập vào đường link của trang web và làm theo chỉ dẫn để nhận thưởng.

Bằng chiêu thức nêu trên, nhóm của Võ Văn Tuấn Kiệt đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người trên khắp cả nước, với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Điển hình như trường hợp chị N.T.P. (35 tuổi), trú tại TP. Sầm Sơn, (Thanh Hóa) đã bị nhóm của Kiệt lừa đảo, chiếm đoạt số tiền gần 206 triệu đồng. Đến khi phát hiện mình bị lừa, chị N.T.P đã làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an tỉnh Thanh Hóa.

Theo nội dung đơn thư của chị N.T.P, thì  sau khi chị P. nhận được thông báo qua mạng và làm theo hướng dẫn của nhóm Võ Văn Tuấn Kiệt như đã nêu trên, chị P. được thông báo phải nộp 5 triệu đồng phí hồ sơ để được nhận phần thưởng của mạng xã hội facebook gồm 1 xe máy SH trị giá 97 triệu đồng và 250 triệu đồng tiền mặt.

Vì tưởng mình trúng thưởng thật, chị P. đã nộp tiền nhiều lần với chiêu trò nhóm này bày ra, như:  tiền thuế VAT, tiền phí để lấy code 6 số…, với tổng số tiền chị P. nộp vào tài khoản cho nhóm nghi phạm này là hơn 200 triệu đồng. Khi nhóm nghi phạm nhận được số tiền trên, chị P. đợi mãi không thấy được nhận phần thưởng. Đến khi chị P. liên lạc với nhóm nghi phạm thì mọi liên lạc đều bị chặn, lúc này nạn nhân mới biết mình bị lừa.

Lời cảnh báo từ cơ quan công an

Trao đổi với GD&TĐ, một lãnh đạo Phòng CSHS Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Vụ việc mà đơn vị vừa tiến hành bắt giữ 5 nghi phạm nêu trên  là vụ án lớn nhất từ trước đến nay, về  hành vi “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo lãnh đạo này, hiện nay tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội  đang  xuất hiện càng nhiều và có tính chất tinh vi, phức tạp. Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng lòng tin, lòng tham của người bị hại để lừa đảo.

Võ Văn Tuấn Kiệt và đồng phạm tại cơ quan công an.
Võ Văn Tuấn Kiệt và đồng phạm tại cơ quan công an. 

Ví dụ: Với chiêu thức soạn tin nhắn trúng thưởng, thậm chí các đối tượng lừa đảo còn giả danh công an, viện kiểm soát, tòa án...đe dọa bạn là có liên quan đến vụ án ma túy, hoặc vụ án hình sự nào đó, rồi yêu cầu bạn phải chuyển số tài khoản vào số điện thoại đó. Sau đó, các đối tượng lừa đảo hack số điện thoại của cơ quan công an, viện kiểm soát để bạn gọi điện vào kiểm tra và tin đó là sự thật.

Khi bạn kiểm tra thì thấy đúng là số điện thoại của cơ quan chức năng, nên tin tưởng và nhắn số tài khoản của mình, rồi chuyển tiền vào đó. Để làm được việc này, các đối tượng lại nắm được từ số tài khoản của bạn là đang có tiền ở ngân hàng.

Khi nắm được thông tin này, đối tượng lừa đảo yêu cầu bạn phải chuyển tiền vào một tài khoản để đảm bảo cho việc điều tra. Sau khi hoàn tất điều tra, nếu  bạn không liên quan thì sẽ được cơ quan chức năng hoàn trả số tiền mà bạn được yêu cầu gửi vào. “Với chiêu thức như vậy, đối tượng lừa đảo đã lấy được tiền của người bị hại, sau đó cắt liên lạc”, vị lãnh đạo cho hay.

Hình thức lừa đảo thứ hai tương tự như vụ án nêu trên mà CSHS Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá. Còn một dạng lừa đảo nữa là các đối tượng lừa đảo đánh vào lòng tin của bạn, bằng cách: Lợi dụng lòng tin của bạn, đối tượng lừa đảo hack vào tài khoản facebook, zalo của người thân bạn, rồi nhắn tin đề nghị chuyển tiền hỗ trợ một việc gì đó rất cần thiết. Khi bạn tin tưởng là người thân của mình đang cần tiền thực sự, thì bạn chuyển tiền ngay mà không kiểm tra cụ thể.

“Hiện nay, những chiêu thức lừa đảo trên mạng đang xuất hiện chủ yếu theo những hình thức trên. Do đó, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác, tránh mắc lừa của các đối tượng lừa đảo, để tự bảo vệ tài sản của mình. Bởi lẽ, việc phá án liên quan đến hành vi  “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” hiện nay rất khó khăn. Vì loại tội phạm này rất tinh vi, chúng có thể đánh sập tài khoản, rút hết tiền và xóa sạch dấu vết cực nhanh”, vị lãnh đạo Phòng CSHS Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ