Mức án cao nhất từ trước đến nay cho đối tượng nuôi nhốt trái phép 145 động vật hoang dã

GD&TĐ - Thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV): TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên án 13 năm tù cho đối tượng Phạm Bá Kim (SN 1984, trú tại TP Móng Cái).

Mức án cao nhất từ trước đến nay cho đối tượng nuôi nhốt trái phép 145 động vật hoang dã

Với hành vi nuôi nhốt, tàng trữ trái phép 145 cá thể tê tê, Phạm Bá Kim đã phải lĩnh 13 năm tù. 10 đồng bọn của Kim cũng lần lượt chịu mức án từ 5 - 8 năm tù. Trong số 145 cá thể tê tê có 124 cá thể còn sống, 21 cá thể đã chết.

Ngoài ra, cơ quan chức năng còn tịch thu được 7kg vảy tê tê và 71,4kg da voi. Đây được coi là mức án cao nhất dành cho tội phạm liên quan đến động vật hoang dã (ĐVHD) từ trước đến nay, cho thấy sự nghiêm khắc của cơ quan thực thi pháp luật đối với loại tội phạm này.

Trước đó, ngày 11/10/2019, Tòa án Nhân dân huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An cũng đã tuyên phạt 2 đối tượng Hồ Minh Đức (28 tuổi, Kon Tum) và Bùi Đức Hùng (39 tuổi, Thái Nguyên) về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Khoản 2 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức án lần lượt là 5 năm và 5 năm 6 tháng tù.

Bà Nguyễn Hương, Giám đốc truyền thông của Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã (WCS), Việt Nam ngoài việc là thị trường cuối và là quốc gia tiêu thụ, còn là quốc gia trung chuyển cho đường dây buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác và các sản phẩm động vật hoang dã khác từ châu Phi sang các nước Đông Nam Á và Trung Quốc.

Do thông thương thuận tiện, kết nối đường xuyên Á thuận lợi, nên các tổ chức tội phạm dễ dàng trung chuyển từ Nam Phi, Congo, Kenya bằng đường biển, đường bộ và đường hàng không đến

Singapore, Malaysia và Việt Nam, cụ thể là Đà Nẵng và Hải Phòng. Tội phạm buôn bán động vật hoang dã tăng lên hàng ngày, hàng giờ nhờ tận dụng toàn cầu hoá và công nghệ. Cuộc cách mạng 4.0 vô tình chắp cánh cho tội phạm với thực tế là mạng xã hội và Internet tràn ngập rao bán công khai các sản phẩm động vật hoang dã.

Trong khi đó, tội phạm về buôn bán động vật hoang dã có độ rủi ro thấp vì không có nạn nhân trực tiếp là con người, trong khi lợi nhuận lại cao, ước tính từ 7 - 23 tỉ USD/năm, và hình phạt ở một số nước còn nhẹ.

Tất cả những nguyên nhân này khiến cho các hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã vẫn hoành hành. Việc xử lý nghiêm, tăng nặng hình phạt sẽ giúp ngăn chặn nạn buôn bán ĐVHD trái phép.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ