Hải Phòng: Cô giáo vay hàng chục tỉ đồng của đồng nghiệp cùng người thân rồi “biến mất”

GD&TĐ - Nhiều chủ nợ là đồng nghiệp, người thân… của một giáo viên THCS đã rơi vào tình cảnh khốn khổ khi cô giáo này đột nhiên biến mất khỏi địa phương với số tiền vay lên tới hàng chục tỉ đồng.

Mới chỉ thống kê hơn chục người số tiền cô giáo này vay đã lên tới hàng chục tỉ đồng
Mới chỉ thống kê hơn chục người số tiền cô giáo này vay đã lên tới hàng chục tỉ đồng

Hàng chục người vốn là đồng nghiệp, người thân, bạn bè của cô Đoàn Thị Hoàng Anh (1985, ở khu 8, thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) hiện đang là giáo viên dạy Lịch sử, chủ nhiệm lớp 8B3 Trường Trung học cơ sở thị trấn Tiên Lãng) mới đây đã đồng loạt gửi đơn đến cơ quan chức năng tố cáo cô giáo này có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, số tiền cô Đoàn Thị Hoàng Anh lợi dụng lòng tin để vay mượn của 14 người có đơn thư tố cáo đã lên tới hàng chục tỉ đồng và vụ việc chỉ vỡ lở khi cô đột nhiên “biến mất” khỏi địa phương.

Chiều ngày 11/12, có mặt tại khu vực cổng trường THCS thị trấn Tiên Lãng, phóng viên GDTĐ đã gặp hàng chục người đều là đồng nghiệp và người thân của cô Hoàng Anh đang tập trung tại đây, tất cả đều tỏ ra hoang mang, lo lắng.

Chị Đ. T. H, một đồng nghiệp của cô Hoàng Anh cho biết, hai người vốn thân nhau nên khi cô Hoàng Anh gợi ý đang rất cần số tiền khoảng 600 triệu đồng để xử lý công việc chị H. không ngần ngại dốc hết số tiền gom góp từ lâu chuẩn bị mua đất đưa hết cho cô giáo này. Chưa hết, chị H. còn vay thêm cả ngân hàng để dồn đủ số tiền cô Hoàng Anh cần. “Đến giờ cô ấy bỏ trốn tôi thật sự rơi vào tình cảnh khốn khổ, không biết gia đình tôi sẽ chấp nhận việc này thế nào? Đồng lương giáo viên của tôi vốn ít ỏi biết bao giờ mới trả hết nợ”, chị H. nói.

Bà N.T.L ( cũng là một giáo viên sắp nghỉ hưu ở thị trấn Tiên Lãng) thì mếu máo nói, vốn là chị em kết nghĩa với cô giáo Hoàng Anh từ rất lâu, thậm chí còn là mẹ đỡ đầu cho con trai của giáo này nên tôi tin tưởng gần như là tuyệt đối.

Vào khoảng tháng 6/2017, cô Hoàng Anh cho bà L. biết đang có ý định mua một ngôi nhà ở thị trấn có giá 3 tỉ đồng nhưng chưa đủ tiền và ngỏ ý nhờ bà L. vay giúp. Không chút băn khoăn, bà L. đã thế chấp tài sản, đứng tên vay ngân hàng giúp cô ấy số tiền 200 triệu đồng.

Cũng theo bà L., sau đó, bà còn đi vay lãi ngoài 120 triệu (có viết giấy vay nợ); 100 triệu cùng 3 chỉ vàng không có giấy tờ vay nợ... tổng cộng là hơn 400 triệu đồng mà không hề nghĩ ngợi gì. “Giờ thì tôi chẳng biết làm sao nữa, mất ăn mất ngủ cả tuần nay rồi”, bà L., buồn bã nói.

Theo các chủ nợ, người đang rơi vào tình khảnh khốn khổ nhất là bà bà Đ. T. L. (52 tuổi, ở khu 4, thị trấn Tiên Lãng) bởi số tiền bà L. cho cô Hoàng Anh vay lên tới 2 tỉ đồng. Chia sẻ với phóng viên, bà L. vừa nói vừa khóc, bà L. quen biết cô Hoàng Anh qua một giáo viên trong Trường Trung học cơ sở thị trấn Tiên Lãng. “Khi cô Hoàng Anh mua nhà có đến hỏi vay gia đình tiền. Vì tin tưởng là cô giáo nên tôi không chút ngần ngại vừa lấy tiền nhà, huy động người thân rồi đi vay lãi bên ngoài tổng cộng 2 tỷ đồng đưa hết cho cô ấy vay. Hàng tháng cô ấy vẫn trả lãi đầy đủ, nhưng tháng 12 này đến hẹn chưa thấy cô trả lãi, tôi có đến nhà giục thì mới "ngã ngửa" khi biết cô đã bỏ trốn”, bà Liên nói.

Không chỉ đồng nghiệp, người thân, theo tìm hiểu của phóng viên còn có cả người trong giới “buôn tiền” cũng “sập bẫy” của cô giáo này với số tiền lên tới vài tỉ đồng.

Một người dân ở thị trấn cho biết, cô Hoàng Anh ngoài việc giảng dạy còn có một cửa hàng bán sách giáo khoa, đồ dùng học tập. Để vay mượn dễ dàng, cô Hoàng Anh thường thông qua các đồng nghiệp để làm thân với người thân của những người này rồi vay tiền nói là để làm ăn.

Đại diện Trường Trung học cơ sở thị trấn Tiên Lãng (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) cho biết, cô giáo Đoàn Thị Hoàng Anh là giáo viên dạy Lịch sử của trường. Vào thứ 3 tuần trước (ngày 4/12) cô Hoàng Anh xin nghỉ ốm đi Hà Nội nhưng đến nay chưa thấy về. Nhà trường cũng cố gắng liên lạc với cô giáo nhưng không được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...