Dừng nhiều khoản thu sai quy định

GD&TĐ -Theo đơn thư phản ảnh, SV trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) muốn được cấp bảng điểm trong quá trình học thì phải nộp 5.000 đồng/lần cấp. Ngoài ra, còn có nhiều khoản thu như phụ thu học phí, lệ phí xét tuyển tốt nghiệp…

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng.

Phụ thu học phí để bù vào vật tư tiêu hao

Đối với các tín chỉ thực hành, trường CĐ Công nghệ (nay là trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật – ĐH Đà Nẵng) đều có thu học phí với hệ số phụ thu là 1,2 so với mức học phí quy định. Việc phụ thu học phí này kéo dài từ năm 2006, từ khi nhà trường chuyển sang phương thức đào tạo tín chỉ và chỉ chấm dứt vào năm 2017. Phần phụ thu này theo như giải thích của Ban giám hiệu nhà trường là để bù đắp cho chi phí tiêu hao vật tư trong quá trình SV thực hành.

PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với đặc thù đào tạo kỹ sư thực hành của bậc cao đẳng, do thời lượng thực hành nhiều kéo theo vật tư tiêu hao lớn. Hơn nữa, nếu vẫn duy trì nhóm thực hành 30 SV/nhóm thì không đảm bảo chất lượng đầu ra, SV khó hình thành được kỹ năng nên nhà trường chia nhỏ nhóm thực hành khoảng 10 – 20 em/nhóm. Vật tư, vật liệu tiêu hao nhiều hơn, số giờ dạy thực hành của giảng viên cũng tăng lên nên thời điểm đó, Ban giám hiệu nhà trường đã xin ý kiến từ các khoa về vấn đề phụ thu học phí cũng như mức thu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Số tiền thu được từ nguồn phụ thu học phí được sử dụng để mua sắm thêm vật tư, thiết bị thực hành và chi trả thêm giờ cho giảng viên”.

Trong quá trình học tập tại trường CĐ Công nghệ, nếu SV có nhu cầu xin bảng điểm học tập để làm các hồ sơ như hồ sơ xin học bổng thì phải đóng cho Phòng Đào tạo một khoản là 5.000 đồng cho một lần được cấp. Khoản thu này không được niêm yết công khai và cũng không có phiếu thu. Ngoài ra, Phòng Đào tạo nhà trường cũng quy định thêm một khoản thu nữa là lệ phí xét tốt nghiệp với mức thu 50.000 đồng/SV.

Nếu SV rút lui khỏi lớp học phần từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 6 thì chỉ được hoàn trả 50% học phí của tín chỉ đã đăng ký, tên khoản thu này là lệ phí rút lui học phần. Theo như nội dung phản ảnh thì khoản thu này không được đưa vào nguồn thu học phí mà được Phòng Đào tạo lập một quỹ riêng và dùng để chi quản lý cho một số ít đơn vị gọi là chi “quản lý học phí rút lui học phần”.

Sai quy trình nhưng không vụ lợi

Những nội dung phản ảnh trên đây đã được Ủy ban kiểm tra của Đảng ủy ĐH Đà Nẵng thành lập đoàn công tác để kiểm tra tình hình và đã có kết luận đề nghị trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật dừng các khoản thu sai quy định.

PGS.TS Ngô Văn Dưỡng – Phó GĐ ĐH Đà Nẵng cho biết: “Về khoản thu lệ phí rút lui học phần là theo quy định của thu học phí. Tuy nhiên, đúng ra khoản thu này phải được nhập vào quỹ nguồn thu học phí và chi theo quy định chứ không phải lập một quỹ riêng của phòng Đào tạo rồi chi theo đề nghị của Phòng Đào tạo. Về mặt nguyên tắc, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật là trường tự chủ một phần tài chính, Hiệu trưởng có quyền quyết định một số khoản chi nhưng nhất thiết nguồn thu từ lệ phí rút lui học phần phải được nhập vào nguồn thu ngân sách”.

Về khoản thu cấp bảng điểm và lệ phí xét tốt nghiệp, theo như PGS.TS Ngô Văn Dưỡng thì đã được trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật công bố trên website của nhà trường và cũng chỉ phục vụ cho chi phí văn phòng phẩm, mua phôi bằng… “Tuy nhiên, những khoản thu này nhà trường không đưa vào quy định dù đã có thông báo nên ĐH Đà Nẵng cũng yêu cầu dừng thu”. Được biết, những khoản thu này nằm ngoài nên dù hàng năm, Ban Kế hoạch – tài chính của ĐH Đà Nẵng đều có tổ chức kiểm tra thu – chi của các cơ sở giáo dục đại học thành viên nhưng không biết.

Nhận xét về các khoản thu được phản ảnh tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, PGS.TS Ngô Văn Dưỡng cho rằng đã sai quy trình nhưng không vụ lợi; như khoản thu phụ thu học phí là phục vụ cho công tác đào tạo chứ không có sự vụ lợi. Sau khi rà soát, trong xây dựng học phí, phải tính, tính đủ chi phí đào tạo và có thông báo đầy đủ cho người học về những khoản thu trong quá trình học. Được biết, từ năm 2017, khi không còn khoảng thu phụ thu học phí, ngân sách của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng phải bù thêm khoảng 1 tỷ đồng cho tiền tiêu hao vật tư, vật liệu thực hành.

PGS.TS Ngô Văn Dưỡng cũng cho biết thêm, việc tổ chức các khoản thu này cũng qua nhiều đời hiệu trưởng,mức độ sai phạm chỉ ở mức kiểm điểm, rút kinh nghiệm chứ chưa đến mức phải xử lý kỷ luật; ĐH Đà Nẵng đã yêu cầu nhà trường chấn chỉnh và đề nghị chấm dứt. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ