Dân tập trung phản đối, huyện hoãn sáp nhập trường

GD&TĐ - Liên quan đến vụ việc người dân tập trung phản đối việc sáp nhập Trường THCS Quảng Phúc về Trường THCS Quảng Vọng, vừa qua, trong buổi đối thoại với dân, lãnh đạo huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã đưa ra thống báo hoãn phương án sáp nhập trường theo nguyện vọng của người dân.

Người dân tập trung tại buổi đối thoại về việc sáp nhập trường
Người dân tập trung tại buổi đối thoại về việc sáp nhập trường

Như Báo Giáo dục và Thời đại đã thông tin, nhiều ngày qua, hàng trăm người dân xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương, đã kéo nhau lên tụ tập ở trụ sở UBND xã để gây sức ép với chính quyền về phương án sáp nhập trường THCS Quảng Phúc về trường THCS Phúc Vọng (tại xã Quảng Vọng, huyện Quảng Xương).

Đến chiều 28/8, lãnh đạo huyện Quảng Xương đã về đối thoại với người dân, để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con xung quanh vấn đề này.

Tại buổi đối thoại, một số người dân đưa ra lý do không đồng ý sáp nhập trường như: Việc chuyển học sinh THCS Quảng Phúc về THCS Quảng Vọng chưa được chính quyền địa phương đưa ra bàn bạc với dân. Trường THCS Quảng Phúc, là ngôi trường mà nhân dân địa phương đã phải đóng góp tiền để xây dựng thành một trường Chuẩn quốc gia từ năm 2014.

Nay, con em trong xã không được học ở ngôi trường này nữa mà phải đi xa gần 5 km, thì người dân không đồng ý. Nếu số học sinh ít, đề nghị ghép trường Tiểu học về trường THCS làm một, rồi dành cơ sở vật chất trường Tiểu học để làm trụ sở UBND xã...

Sau khi lắng nghe các ý kiến của người dân xã Quảng Phúc, ông Nguyễn Văn Chính – Bí thư Huyện ủy Quảng Xương, cũng đã giải thích rõ những chủ trương, chính sách của Nhà nước về việc sáp nhập trường học. Tuy nhiên, người dân Quảng Phúc vẫn không đồng tình, yêu cầu chính quyền chấp nhận việc không sáp nhập trường.

Ông Chính, nói: “Vấn đề sáp nhập trường THCS Quảng Phúc về trường THCS Quảng Vọng, với mục tiêu của huyện và xã là làm tốt cho nhân dân, mà bà con không đồng thuận, thì huyện sẽ đồng ý với bà con. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng và ngành giáo dục tạm hoãn quyết định sáp nhập trường lại, đợi khi nào bà con đồng thuận, thì huyện sẽ tiếp tục làm”.

Trước đó, tại buổi họp báo chiều 25/8 thông tin về sự việc trên, ông Trần Thế Lưu, Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho biết: Theo quy định của UBND tỉnh thì các trường THCS có quy mô dưới 8 lớp sẽ tiến hành sáp nhập với trường khác.

Hiện tại trường THCS Quảng Phúc có 5 lớp, dự báo đến năm 2020 có quy mô dưới 8 lớp. Chính vì thế, huyện đã tiến hành sáp nhập. Người dân phản đối việc sáp nhập trường với lý do chính là: Học sinh đi học sang xã khác không an toàn, đi xa (học sinh xa nhất là khoảng 3,5 km)…

Cũng tại buổi họp báo, bà Phạm Thị Hằng- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết: Hiện nay, số lượng học sinh giảm, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Căn cứ vào các hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng đề án sáp nhập các trường ở các cấp. Cho đến thời điểm hiện nay, việc sáp nhập trường đã được triển khai ở nhiều địa phương.

Hầu hết chính quyền địa phương và nhân dân đồng thuận với việc này. Về việc phản đối của một bộ phận người dân phản đối sáp nhập trường ở xã Quảng Phúc, chính quyền địa phương đã có nhiều phương án giải quyết khó khăn cho học sinh, nguyện vọng của nhân dân sau khi sáp nhập…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ