Đắk Lắk: Dự án điện gió đẩy tiến độ “bằng mọi giá”?

GD&TĐ - Để hoàn thành dự án điện gió ở Đắk Lắk trước 31/10/2021, Tập đoàn Trung Nam và địa phương đã “vượt tiến độ”, bất chấp các quy trình, thủ tục bắt buộc?

Khu đất làm Tuabin 61, thuộc dự án điện gió Ea Nam với tổng vốn đầu tư 16.500 tỉ đồng.
Khu đất làm Tuabin 61, thuộc dự án điện gió Ea Nam với tổng vốn đầu tư 16.500 tỉ đồng.

Chủ đầu tư dự án điện gió Ea Nam đã khẩn trương mua gom đất nông nghiệp, thậm chí là đất rừng rồi tự ý san đồi, xẻ núi cấp tập thi công, gây khói bụi, nứt nẻ nhà cửa, hư hại đường xá khi mới chỉ có chủ trương đầu tư.

Đất rừng chưa chuyển đổi đã cấp tập thi công

Dự án điện gió Ea Nam do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư có tổng vốn 16.500 tỉ đồng. Nó trải dài trên ba xã: Ea Nam, Ea Khal, Dliê Yang, huyện Ea H’Leo (tỉnh Đắk Lắk). Đại diện của Trung Nam có mặt tại công trường cho biết, tất cả các hạng mục của đại dự án này sẽ hoàn thành trước 31/10/2021.

Để “đảm bảo tiến độ”, chủ đầu tư đã thi công trên đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất khi chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý theo quy định. Theo lãnh đạo UBND xã Ea Nam (huyện Ea H’Leo): “Dự án điện gió Ea Nam được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 31/12/2020 trên diện tích thu hồi đất có thời hạn là 140ha. Tuy nhiên, dự án này vẫn chưa được quy hoạch và đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất của huyện Ea H’leo giai đoạn 2021 - 2025.

Qua kiểm tra, công ty này đã tự thỏa thuận mua đất của người dân (cho nhân viên đứng tên - PV) và tiến hành thi công một số hạng mục công trình như nhà điều hành, trạm biến áp, đường giao thông và 28 vị trí tuabin trên địa bàn toàn xã”.

Theo hồ sơ, dù chưa có bất cứ thủ tục nào về việc chuyển đổi đất rừng nhưng để “đảm bảo tiến độ”, Tập đoàn Trung Nam đã tự ý thoả thuận với những người nhận khoán rừng sản xuất tại xã Ea Nam rồi san lấp, mở đường vào tuabin 24 và 61.

Cụ thể, tập đoàn thi công xây dựng tuabin 61 trên diện tích gần 4.400m2 rừng tại thôn 4 và ủi tuyến đường rộng 8m, dài 50m (400m2) trên đất rừng thuộc thôn Ea Đen (xã Ea Nam) để vào thi công tuabin số 24.

Xã Ea Nam đã mời những người nhận khoán rừng lên làm việc để lập hồ sơ báo cáo huyện, tỉnh về sự việc nêu trên. Xã khẳng định: “Việc Tập đoàn Trung Nam tiến hành thực hiện dự án điện gió Ea Nam là chưa đúng với quy định Luật Đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường hiện hành”.

Trong khi đó, lãnh đạo UBND huyện Ea H’Leo cho biết, đây là sai sót về thủ tục, đã xử lý và huyện đã thống nhất cho đơn vị này làm thủ tục chuyển đổi theo quy định để đảm bảo tiến độ.

Người dân vùng dự án sống chung với ô nhiễm

Theo phản ánh của người dân có nhà trên trục đường chính từ quốc lộ 14 về xã Ea Nam, xe chở vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc chạy rầm rầm cả ngày lẫn đêm khiến bụi bay mù mịt, bám dày tường, nền nhà.

Nhà buôn bán mà cả ngày phải đóng cửa mà bụi vẫn bám dày. Họ đã nhiều lần yêu cầu đơn vị thi công phải tưới nước, giảm cường độ vận chuyển để giảm tác động đến đời sống người dân nhưng không thành.

Theo lãnh đạo UBND xã Ea Nam, trong quá trình thi công, công ty không thực hiện việc tưới nước mặt đường khu vực thi công gây bụi bẩn, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Ngoài ra, việc xe chở vật liệu quá trọng tải, xe lu công suất lớn, cường độ hoạt động mạnh làm nứt tường, sập giếng một số hộ dân. Chỉ riêng tại xã Ea Nam, địa phương đã phải tiếp nhận, giải quyết 454 lá đơn phản ánh của người dân về dự án này.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea H’Leo cho rằng, đây là một dự án lớn. Khi họ triển khai thi công cấp tập sẽ không tránh khỏi những hệ luỵ về môi trường, địa chất. 

Địa phương đã làm việc và Tập đoàn Trung Nam cam kết sẽ cùng địa phương khảo sát, nắm bắt vấn đề nhân dân phản ánh và sẽ bồi thường, hỗ trợ những thiệt hại của người dân trong quá trình thi công dự án.

“Địa phương cũng sẽ buộc doanh nghiệp sửa chữa các tuyến đường dân sinh mà trong quá trình thi công xe, phương tiện phục vụ công trình làm cho hư hỏng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng hứa đài thọ hàng chục kilomet đường bê-tông nông thôn, nhiều nhà văn hóa… tại địa phương sau khi dự án hoàn thành” - ông Hà chia sẻ.

Ông Hoàng Văn Hợp, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam thừa nhận, việc chưa hoàn thành các thủ tục chuyển đổi đất rừng sản xuất đã thi công là sai. Tuy nhiên, không phải tập đoàn cố tình san ủi đất rừng sản xuất mà do lỗi của anh em kỹ thuật.

Theo đó, khi khảo sát, đơn vị đã lập hồ sơ, làm thủ tục để xin được thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng do thủ tục kéo dài, đến nay chưa hoàn thành.

Theo ông Hợp lý giải, giấy phép ban đầu của dự án có 100 tuabin, nhưng sau đó giảm còn 84 tuabin, dẫn đến có nhiều vị trí để xây dựng, chứ không nhất thiết phải xây dựng tuabin 61 trên đất rừng sản xuất.

“Nếu đúng thủ tục, địa phương phải bàn giao mặt bằng mình mới thi công, do anh em kỹ thuật không nắm quy định nên vội vàng. Đến nay, huyện đã thống nhất để hoàn tất thủ tục chuyển đổi và Tập đoàn đang gấp rút hoàn thành” - ông Hợp cho biết.

Cũng theo ông Hợp, dự án có 84 tuabin gió, trải dài trên diện tích hơn 6.000ha đồi núi, xen lẫn đất chuyên canh cà phê. Công trình đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành trước tháng 11/2021 nên không tránh khỏi những sai sót về thủ tục, gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường.

“Tập đoàn đã cố gắng khắc phục để giảm thiểu thấp nhất việc ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trung Nam đã hỗ trợ hơn 30 tỉ đồng cho người dân bị ảnh hưởng tại vùng dự án, đồng thời đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chương trình phúc lợi tại địa phương…” - ông Hợp thông tin thêm.

Trả lời về vấn đề này, lãnh đạo Sở KH&ĐT Đắk Lắk cho biết, các bên liên quan đang tích cực hoàn thành các thủ tục liên quan đến dự án; thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, cho thuê đất theo quy định pháp luật về đất đai…
Nhận thấy tầm quan trọng của dự án, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo ngành chức năng tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án trong tháng 10/2021. Tỉnh cũng yêu cầu nhà đầu tư tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường.
Dự án nhà máy Điện gió Ea Nam với công suất 400MW, tổng mức đầu tư 16.500 tỉ đồng, sẽ nộp 3.000 tỉ đồng vào nguồn thu ngân sách của địa phương thuế thu nhập doanh nghiệp, khoảng 250 tỉ đồng/năm thuế GTGT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ