Chứng cứ nào của luật sư khiến phiên tòa hoãn xử?

GD&TĐ - Tại 02 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm mở từ năm 2013, bị cáo Vi Văn Phượng đều kêu oan, song đều bị kết án “Tử hình” với hành vi giết mẹ đẻ của mình. Sau đó Viện KSND Tối cao đã có Kháng nghị và TAND Tối cao đã có Quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy cả 02 bản án này. Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai mở vào ngày 23/5/2019, bị cáo Vi Văn Phượng tiếp tục kêu oan, không thừa nhận đã giết mẹ.

Chứng cứ nào của luật sư khiến phiên tòa hoãn xử?
Bị cáo Vi Văn Phượng tại phiên xử sơ thẩm vừa qua.
 Bị cáo Vi Văn Phượng tại phiên xử sơ thẩm vừa qua.

Sau nhiều lần hoãn, phiên tòa sơ thẩm lần hai xét xử bị cáo Vi Văn Phượng (sinh năm 1968, trú tại thôn Hòn Ngọc, xã Tam Dị, huyện Lục Nam, Bắc Giang) đã được TAND tỉnh Bắc Giang mở vào ngày 23/5/2019. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Ngô Quang Dũng - Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Bắc Giang. Giữ quyền công tố tại phiên tòa là kiểm sát viên Nguyễn Ngọc Cường thuộc Viện KSND tỉnh Bắc Giang.

Ba luật sư bào chữa cho bị cáo gồm: luật sư Nguyễn Văn An (Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang); luật sư Đinh Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP Hà Nội); luật sư Vũ Thị Nga (Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh).

Vụ án “con giết mẹ” chấn động vùng quê nghèo

Theo Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bắc Giang, xuất phát từ mâu thuẫn khá nhỏ nhặt (bị mẹ nghi là vay vàng thật nhưng trả cho mẹ vàng giả), vào lúc 11h15’ ngày 05/10/2012, tại nhà của mình, bị cáo Phượng đã dùng dao quắm chém mẹ đẻ là cụ Nguyễn Thị Vui (sinh năm 1926, bị mù lòa, sống cùng Phượng) nhiều nhát vào mặt và cổ, khiến cụ Vui chết ngay trên giường nằm do mất máu cấp.

Ngay sau khi chém mẹ, Vi Văn Phượng đã gọi điện báo cho người thân của Phượng, trưởng thôn, công an thôn…

Hiện trường vụ án được giữ khá nguyên vẹn. Qua khám nghiệm, Công an tỉnh Bắc Giang thu được con dao quắm và chiếc áo phông trắng trong gian buồng sát với nơi nạn nhân nằm, nghi có dính máu.

Kết quả giám định cho thấy con dao và chiếc áo này đều dính máu của nạn nhân Nguyễn Thị Vui. Vi Văn Phượng khai nhận chiếc áo phông và con dao là của bị cáo, nhưng không nhận hành vi giết mẹ.

Luật sư Vũ Thị Nga cũng nhận định việc điều tra lại mới chỉ thực hiện được 2/7 vấn đề đặt ra từ Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, còn 5/7 vấn đề chưa được làm rõ. Luật sư Nga đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội và trả tự do cho ông Phượng ngay tại phiên tòa.

Ngày 18/10/2012, Vi Văn Phượng bị bắt khẩn cấp. Lời khai ban đầu sau khi bịu bắt Phượng không nhận tội, kêu oan.

Sau đó Phượng nhận là đã chém mẹ. Tuy nhiên kết thúc điều tra và tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm trước đây, Phượng lại kêu oan, không nhận tội.

Kháng nghị của Viện KSND Tối cao và Quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao đã nhận định: động cơ giết mẹ của Phượng quá đơn giản, không thuyết phục; cần làm rõ việc sử dụng quỹ thời gian của Phượng trong buổi sáng và buổi trưa ngày xảy ra vụ án; nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ thông qua giám định tư pháp và thực nghiệm điều tra…

Kết thúc việc điều tra lại, Cơ quan CSĐT (PC02) Công an tỉnh Bắc Giang và tiếp theo là Viện KSND tỉnh Bắc Giang vẫn quy kết Vi Văn Phượng không oan, Phượng đã có hành vi giết mẹ đẻ của mình.

Tranh luận “nảy lửa” tại phiên tòa!

Tại phiên tòa kéo dài trong 02 ngày 23 và 24/5/2019, bị cáo Phượng tiếp tục kêu oan. Tuy nhiên công tố viên hoàn toàn bác bỏ lời kêu oan này, khẳng định hồ sơ tài liệu vụ án đủ căn cứ để kết luận Phượng đã giết cụ Vui và đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo mức án “tử hình”.

Tranh luận với bên công tố, luật sư Nguyễn Văn An đã căn cứ vào Quyết định giám đốc thẩm để khẳng định việc điều tra lại vừa qua không đáp ứng được các yêu cầu đặt ra từ Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Hồ sơ vụ án cho thấy bị cáo Phượng không có mâu thuẫn nghiêm trọng với cụ Vui; buổi sáng 05/10/2012, trước khi đi làm Phượng vẫn dặn con trai út nấu ăn cho bà nội rồi mới đi học; trưa hôm đó mặc dù được chủ nhà thuê làm mời ăn cơm, Phượng vẫn tranh thủ về để nấu ăn bữa trưa cho mẹ.

Kết quả giám định cho thấy 1,5 chỉ vàng Phượng mới mua và trả cho mẹ là vàng thật. Luật sư An chỉ ra 15 điều “bất bình thường” trong hồ sơ để đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ những vấn đề này.

Luật sư Vũ Thị Nga cũng nhận định việc điều tra lại mới chỉ thực hiện được 2/7 vấn đề đặt ra từ Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, còn 5/7 vấn đề chưa được làm rõ. Luật sư Nga đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội và trả tự do cho ông Phượng ngay tại phiên tòa.

Luật sư Đinh Anh Tuấn khẳng định “chứng cứ gỡ tội” cho bị cáo có ngay trong hồ sơ vụ án. Để chứng minh, luật sư Tuấn đi sâu vào lời khai của 06 người cùng ăn cơm trưa với nhau hôm 05/10/2012 để khẳng định ông Phượng đã rời nơi ăn cơm lúc 11h05’ chứ không phải 11h00’ như Cáo trạng nêu.

Với thời gian xuất phát như vậy, ông Phượng về đến nhà mình lúc 11h21’ (thực nghiệm điều tra đi hết 16’) và không thể chém cụ Vui như Cáo trạng nêu.

Để chứng minh luận thuyết này, luật sư Tuấn trích dẫn thêm một số lời khai của ông Phượng cho thấy trên đường đi ông Phượng có gặp các cháu học sinh trường THCS Tam Dị đi học về; luật sư Tuấn cũng công bố Biên bản xác minh do luật sư thu thập, cho thấy trường THCS Tam Dị tan trường vào lúc 11h15’; qua các tài liệu này, luật sư Tuấn khẳng định lúc 11h15’ ông Phượng đang đi trên đường, không có mặt ở nhà để chém mẹ.      

Hoãn tòa để “xác minh, thu thập chứng cứ”

Phần đối đáp, công tố viên đã phủ định toàn bộ các luận điểm do các luật sư đưa ra. Chẳng hạn, với Biên bản xác minh do luật sư Tuấn công bố, công tố viên cho rằng rất có thể hôm 05/10/2012 các học sinh của trường THCS Tam Dị được tan học sớm hơn thường lệ.

Đối đáp lại, các luật sư khẳng định nếu thấy cần thiết thì phải xác minh thêm chứ không được phép suy đoán; trong trường hợp buộc phải suy đoán thì phải suy đoán theo “nguyên tắc suy đoán vô tội” đã được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, không được phép suy đoán theo hướng cột tội.

Sau 02 ngày xét xử, HĐXX nghỉ nghị án và dự kiến sẽ tuyên án vào 10h00’ ngày 27/5/2019. Tuy nhiên sáng 27/5/2019, HĐXX đã không tuyên Bản án hoặc tuyên đọc Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung như nhiều người dự đoán.

Thay vào đó, HĐXX đã ra quyết định hoãn phiên tòa với lý do “cần phải xác minh, thu thập chứng cứ mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa”.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Đinh Anh Tuấn nhận định việc HĐXX hoãn phiên tòa với lý do như vậy là phù hợp quy định tố tụng và diễn biến xét xử tại phiên tòa.

Ông Tuấn nói: “Hồ sơ vụ án cho thấy CQĐT và Viện kiểm sát đã bỏ qua không thu thập hoặc không đánh giá các tài liệu, chứng cứ có giá trị gỡ tội cho bị cáo. Ngay tại các lời khai được coi là “nhận tội”, bị cáo Phượng khai hoàn toàn sai với thực tế vụ án, nhưng cũng không được phân tích, đánh giá. Việc HĐXX phiên tòa sơ thẩm hoãn tòa để trực tiếp tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ khiến các luật sư chúng tôi có căn cứ để tin rằng sự thật của vụ án sẽ được làm sáng tỏ ngay tại cấp tòa này”.

Được biết, tại phiên tòa, các luật sư đã chỉ ra hàng loạt mâu thuẫn trong lời khai “nhận tội” của bị cáo Vi Văn Phượng, như: Bị cáo khai chém mẹ 03 nhát, kết quả khám nghiệm nạn nhân bị chém tới 07 nhát; Bị cáo khai chém mẹ liên tiếp, kết quả khám nghiệm nạn nhân bị đánh bằng sống dao, sau mới chém tiếp bằng lưỡi dao; Bị cáo khai khi chém mẹ máu bắn cả về phía bị cáo đứng, kết quả khám nghiệm nơi hung thủ đứng không có vết máu bắn; Bị cáo khai chém mẹ xong đi ngay vào buồng cất dao, kết quả khám nghiệm cho thấy hung thủ chém xong đứng tại chỗ khá lâu, máu trên lưỡi dao nhỏ giọt xuống nền nhà trên diện tích rộng tới 0,7m x 0,9m.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ