Bị cáo Đinh La Thăng xin nhận trách nhiệm hoàn toàn thay cho các bị cáo

GD&TĐ - Chiều 20/3, phiên xử sơ thẩm vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mất 800 tỷ khi góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) bước sang ngày làm việc thứ hai. Tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng xin nhận trách nhiệm hoàn toàn thay cho tất cả các bị cáo.

Bị cáo Đinh La Thăng xin nhận trách nhiệm hoàn toàn thay cho các bị cáo

Nếu Thủ tướng đồng ý cho PVN thoái vốn từ năm 2014 đã không có chuyện bị mất vốn

Tiếp tục phiên xét xử, chiều 20/3, sau khi kết thúc phần xét hỏi của hội đồng xét xử và VKS, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho ông Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch HĐQT tập đoàn dầu khí Việt Nam - PVN) đã tham gia thẩm vấn bị cáo Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PVN.

Trả lời các câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài về việc Oceanbank bị NHNN mua 0 đồng vào năm 2015 dẫn đến việc PVN mất vốn 800 tỷ đồng vốn góp tại ngân hàng này, bị cáo Đinh La Thăng cho biết, nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho PVN thoái vốn từ năm 2014 thì đã không có chuyện Tập đoàn này bị mất vốn.

Bởi với một cổ đông lớn, một đối tác lớn như PVN mà thoái vốn thì phải có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Việc thoái vốn phải có lộ trình, không phải thích rút thì rút.

Theo bị cáo Thăng, PVN là tập đoàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Việc đầu tư của PVN là được sự đồng ý và theo sự chỉ đạo của Chính phủ. Ngoài các văn bản pháp luật còn phải thực hiện theo quy định. PVN phải xử lý tồn tại liên quan đến việc thành lập NH Hồng Việt và đã xin phép Chính phủ, cơ quan hữu quan cho đầu tư vào ngân hàng OceanBank.

Trước đó, khi có chủ trương các tập đoàn được đầu tư vào ngân hàng, PVN cũng chủ trương lập Ngân hàng Hồng Việt nhưng sau đó xin chủ trương không thành lập nữa, và đứng trước thách thức là giải quyết các vấn đề tồn tại như là con người, cơ sở vật chất đã chuẩn bị cho thành lập ngân hàng...

Thời điểm đó, PVN đã tìm hiểu cả Ngân hàng Kiên Long và Hàng Hải. PVN đã tiếp cận vài ngân hàng để giải quyết các tồn tại này, đến lượt OceanBank đã chấp thuận phương án của Tập đoàn. Trong vai trò là chủ tịch PVN, bị cáo thấy rất mừng khi có được đối tác như vậy.

Ông Thăng vẫn khẳng định việc làm của mình là không sai. Ông Thăng cho rằng, nghị quyết đã ký mà chưa có ý kiến của Thủ tướng là nghị quyết của thành viên HĐQT về chủ trương thống nhất đi đầu tư. Việc đầu tư chỉ thực hiện sau khi chuyển tiền và thực hiện sau khi có ý kiến chấp thuận của Chính phủ.

Bị cáo Thăng cho biết, việc PVN thoái vốn xuất phát từ việc Tập đoàn này sở hữu 20% vốn điều lệ Oceanbank, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2011 về tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng. Cụ thể, Luật quy định một tổ chức chỉ được phép sở hữu tối đa 15% vốn điều lệ của một TCTD.

Thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đúng sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Theo bị cáo Thăng, ngay từ tháng 3/2011, HĐTV PVN đã thống nhất giao Tổng Giám đốc triển khai việc chuyển nhượng phần vốn của PVN tại Oceanbank. Tuy nhiên, việc vì sao không thực hiện được thì bị cáo không có trách nhiệm.

Sau đó bị cáo Thăng chuyển công tác, từ đó không quay trở lại. Khi vụ án bị khởi tố thì bị cáo mới biết hai bên đã tìm đối tác là một doanh nghiệp Singapore và một doanh nghiệp trong nước, các bên đã thống nhất chuyển nhượng vốn của PVN tại Oceanbank. Ban đầu Thủ tướng Chính phủ đồng ý nhưng sau đó đã không đồng ý.

Bị cáo Thăng cho biết, từ năm 2009 đến 2013, PVN đều được chia cổ tức từ khoản đầu tư vào Oceanbank. Ông Thăng cho rằng, bị cáo không biết sau này ngân hàng gặp khó khăn, việc này thuộc trách nhiệm HĐQT và Ban điều hành Ngân hàng Đại Dương.

Trả lời về việc NHNN mua Oceanbank với giá 0 đồng, ông Thăng cho hay, bị cáo có theo dõi và được biết Thủ tướng đã yêu cầu chấm dứt việc mua 0 đồng đối với các TCTD. Bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội trong lần xét xử vụ án Oceanbank cũng đã yêu cầu làm rõ tính pháp lý của việc mua 0 đồng, và theo bị cáo được biết việc mua 0 đồng là trái với quy định của pháp luật.

Ông Đinh La Thăng nhận định rằng, tất cả các đợt góp vốn đều phải có sự đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ và PVN lấy đó làm căn cứ để thực hiện. Việc thực hiện theo đúng quy luật của pháp luật là đương nhiên nên HĐQT PVN hoàn toàn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đúng sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nếu có gì sai phạm thì Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có sự chỉ đạo dừng việc đầu tư.

Bị cáo Thăng cũng đánh giá sự hợp tác này giúp cho Oceanbank phát triển nhanh chóng, đóng góp của PVN trong việc đầu tư này giúp cổ tức hơn 200 tỷ đồng, nâng tầm ngân hàng, theo đúng chủ trương chỉ đạo của Đảng và Chính phủ trong việc nâng cao năng lực hệ thống ngân hàng.

Về Nghị quyết của HĐTV PVN đồng ý góp vốn đợt 3 (100 tỷ đồng) để tăng vốn điều lệ của Oceanbank, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định trong thời gian này bị cáo đi công tác dài ngày và ủy quyền cho hai thành viên HĐQT là Hoàng Xuân Hùng và Nguyễn Xuân Thắng nên không biết.

Ông Thăng tiếp tục khẳng định, bị cáo không tham gia biểu quyết và không biết về việc này, bị cáo cũng không được nghe ông Nguyễn Xuân Thắng báo cáo. Nếu biết thì bị cáo đã chỉ đạo dừng thực hiện. Bị cáo nhận trách nhiệm người đứng đầu.

Tại phiên tòa này, bị cáo xin nhận trách nhiệm hoàn toàn thay cho ông Thắng, ông Đức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ