Sự việc bắt đầu từ cách đây hơn 1 tuần tại thành phố Aulnay-sous-Bois thuộc tỉnh Seine Saint-Denis ở ngoại ô phía Bắc Paris khi một nhóm cảnh sát đi tuần và tiến hành kiểm tra giấy tờ của một thanh niên 22 tuổi tên là Theo.
Cuộc kiểm tra thông thường đã biến thành một vụ đụng độ bạo lực khi các cảnh sát sử dụng dùi cui tấn công nam thanh niên này, khiến nạn nhân bị thương nghiêm trọng ở vùng hậu môn.
Nạn nhân sau khi nhập viện cấp cứu đã gửi đơn kiện 4 cảnh sát vì tội sử dụng bạo lực quá mức cho phép và “có ý đồ hiếp dâm”. Ngay lập tức, cơ quan điều tra Pháp đã phải ra lệnh đình chỉ nhóm cảnh sát để tiến hành điều tra.
Tuy nhiên, sự việc này đã thổi bùng cơn giận dữ của các cư dân ngoại ô Paris bởi từ lâu nay, cảnh sát Pháp bị cho là đã quá lạm dụng các đợt kiểm tra giấy tờ ngẫu nhiên, đặc biệt nhằm vào các cư dân da màu ở các vùng ngoại ô bình dân.
Nhiều cuộc biểu tình ủng hộ nạn nhân Theo đã diễn ra trong vài ngày qua khiến mức độ căng thẳng leo thang, kéo theo làn sóng bạo lực có dấu hiệu mất kiểm soát.
Cảnh sát Pháp bắt giữ hàng chục người sau đêm bạo động thứ tư ở ngoại ô Paris (Ảnh: Reuters)
Tại nhiều thành phố ngoại ô, đặc biệt là tại các khu nghèo ở tỉnh Seine Saint Denis, một trong các tỉnh nghèo nhất tại Pháp, nhiều xe cộ bị đốt, cửa hiệu bị đập phá... khi các đám đông thanh niên quá khích lợi dụng các cuộc tuần hành để cướp bóc và khiêu khích lực lượng an ninh.
Chỉ riêng trong đêm 13/2, cảnh sát Pháp đã bắt giữ 25 kẻ quá khích tại các thành phố của tỉnh Seine Saint-Denis (vùng 93). Đáng ngại hơn, các cuộc đập phá đã lan sang một vài thành phố khác của các tỉnh lân cận như Val d’Oise (vùng 95) hay Yvelines (vùng 78).
Tình hình bất ổn này khiến nhà chức trách Pháp đặc biệt lo ngại bởi nó gợi nhớ lại vụ bạo động năm 2005 cũng xuất phát từ Clichy-sous-Bois, một thành phố nhỏ của vùng 93, nằm ngay cạnh thành phố Aulnay-sous-Bois là nơi châm ngòi nổ cho làn sóng bạo lực hiện nay.
Vào năm 2005, vụ bạo động ở ngoại ô Paris đã lan rộng ra khắp nước Pháp và từng khiến chính quyền Pháp phải ban hành tình trạng khẩn cấp ở các thành phố này.
Tổng thống Pháp, Francois Hollande hôm 14/2 đã xuất hiện ở thành phố Aubervilliers, một trong những điểm nóng của tỉnh Seine Saint-Denis để trấn an dân chúng và kêu gọi sự hòa giải giữa người dân và lực lượng cảnh sát. Bộ trưởng Nội vụ Pháp, Bruno Le Roux cũng có mặt ở tỉnh Val d’Oise để kiểm soát tình hình.
Đối với chính quyền Pháp, làn sóng bạo lực đang có dấu hiệu gia tăng ở ngoại ô Paris là một rủi ro rất nghiêm trọng, không chỉ bởi bài học từ hậu quả nặng nề năm 2005 mà còn bởi bao lâu nay, các vùng ngoại ô ở Pháp, đặc biệt quanh các thành phố lớn như Paris, Marseille hay Lyon... vẫn bị xem là nguồn gốc gây ra các bất ổn xã hội, không chỉ tội phạm mà còn cả khủng bố.
Trong các vụ khủng bố lớn tại Pháp hai năm qua như vụ Charlie Hebdo hay vụ 13/11, nhiều thành viên khủng bố xuất thân là con cái các gia đình nhập cư nghèo sống ở các vùng ngoại ô.
Các khu vực này, được xếp vào dạng các khu vực an ninh nhạy cảm và cần ưu tiên về giáo dục, từ lâu nay bị coi như là bị lãng quên và phải chấp nhận một mức sống hoàn toàn khác biệt so với người dân trong đô thị.
Nhiều cư dân các vùng ngoại ô ở Pháp luôn mang mặc cảm bị xem như công dân hạng 2, bị phân biệt đối xử và hầu như rất chật vật nếu muốn thăng tiến trong nghề nghiệp.
Các khu vực này có tỷ lệ thất nghiệp cao gấp 2-3 lần so với mức trung bình ở nước Pháp, thậm chí tại một vài thành phố của tỉnh Seine Saint-Denis, tỷ lệ thất nghiệp lên đến mức 50% trong giới trẻ, khiến lớp cư dân này bị đẩy vào con đường đói nghèo, tội phạm và khủng bố.
Cái vòng luẩn quẩn đó dẫn đến việc các cư dân ngoại ô có chiều hướng bị phân biệt đối xử và là nạn nhân của bạo lực cảnh sát nhiều gấp nhiều lần nơi khác.
Một thống kê cho thấy, trung bình, một thanh niên da màu ở các vùng ngoại ô bình dân bị kiểm tra giấy tờ nhiều gấp 7 lần so với cư dân da trắng hay người châu Á và vụ việc ở Aulnay-sous-Bois được xem như là giọt nước tràn ly, khiến sự giận dữ của cư dân ngoại ô bùng phát trở thành cơ hội cho các nhóm thanh niên thất học đập phá, cướp bóc và tấn công lực lượng công quyền./.