Phận nữ cửu vạn miền biên ải

Phận nữ cửu vạn miền biên ải

(GD&TĐ) - Những tốp phụ nữ luống tuổi mặc áo phong phanh, khuôn mặt khắc khổ đang hò nhau đẩy chiếc xe bò ních đầy từ hướng Pò Chài (Trung Quốc) qua cửa khẩu về Việt Nam. Chiếc xe oằn mình, nhích từng bước, từng bước. Quãng đường vận chuyển dài khoảng 1 km nhưng 4 người đẩy mất non 2 giờ mới đến nơi tập kết hàng, được chủ hàng trả 300 nghìn tiền công… 

Nơi gặp gỡ của những mảnh đời éo le

3 giờ sáng. Mưa rả rích. Những nữ cửu vạn đứng thành từng tốp hoặc ngồi dúm dó. Khuôn mặt họ giãn ra, lao đến mỗi khi có người lạ nào xách túi, ngã giá và lao đi. Những người được chủ nhận thì hớn hở đi cùng, số còn lại ủ rũ đợi việc. Họ làm bất cứ việc gì được thuê. Họ cũng không quan tâm nguồn gốc hàng, miễn là xong việc được chủ trả công. 

Phòng trọ tồi tàn, ẩm mốc, nơi trú ngụ của hơn 10 người phụ nữ. Vật dụng trong nhà không có gì đáng giá, những bộ quần áo đã sờn màu, treo cẩu thả. Chị Trần Thị Thoa, người từng được coi “hoa khôi” cửa biển Tiền Hải (Thái Bình). Vốn sinh ra trong gia đình có kinh tế vững chãi. Dù con nhà miền biển nhưng từ nhỏ, chị đã được gia đình nuông chiều, không phải “đụng” chân việc nặng. 15 tuổi, mẹ mất, bố suốt ngày uống rượu, kinh tế gia đình giảm sút. 17 tuổi, đương thì con gái, thân hình phổng phao, nhiều gia đình đã mang trầu sang đánh tiếng xin về làm dâu. Nhưng ở tuổi ăn chưa no, lo chưa kỹ, chị khước từ. Quanh quẩn xó làng, buồn chán, chị quyết định theo đám bạn cùng quê rời làng thân gái dặm trường lên miền biên ải Lạng Sơn quyết đi buôn… làm giàu nhanh.

Trong những ngày lang thang kiếm mối làm ăn, chị tình cờ quen bà M. Bà giới thiệu mình là chủ làm ăn lớn, có nhiều mối hàng ở Trung Quốc. Bà rỉ tai: Nếu muốn làm giàu nhanh, không thể quẩn quanh buôn cò con ở cửa khẩu, phải sang tận Trung Quốc. Dắt lưng trong túi số tiền tích cóp đi buôn được 2 cây vàng, chị đã tin tưởng, mon men cùng bà M đi “nước ngoài” làm ăn lớn. Sau 2 ngày đi đường bộ, trèo đèo lội suối băng rừng, chị đặt chân đến một bản làng heo hút của Trung Quốc. Mệt rã người, chị ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy, không thấy bà M đâu, người không còn mảnh vải che thân...

“Chồng” chị, ông lão ngót nghét 70 đã cướp đi đời con gái trinh trắng của chị. Người đàn ông Trung Quốc, khua khoắng chân tay, ra hiệu, ý  nói đã bỏ tiền “mua” trinh tiết của chị. Nếu chị có ý định chạy trốn, ông sẽ giết chết. Xong việc, ông khóa cửa, nhốt chị trong phòng.

Chị Thoa gửi nỗi nhớ quê nhà vào chiếc điện thoại
Chị Thoa gửi nỗi nhớ quê nhà vào chiếc điện thoại

Ròng rã một tuần liên tục, chị sống trong cảnh “buồn tủi”. Mỗi ngày, khi có “cảm hứng, ông cụ lại đè chị ra… làm việc bản năng của đàn ông. Xong việc, không cho chị mặc quần áo ở nơi  đồng không mông quạnh, đến bữa ông lão lại mang thức ăn đến. Sau gần 1 tháng bị giam lỏng sống trong “địa ngục trần gian”, ông “chồng” đi vắng, chị đã trốn, đôi chân lao thẳng về phía trước. May mắn chị bỏ gặp được các chiến sĩ biên phòng Việt Nam đang đi tuần tra biên giới.

Tiền hết, chán nản, tuyệt vọng, tinh thần vẫn còn hoảng loạn, chị không dám thò mặt về quê. Không người thân nơi biên ải, chị quyết định gia nhập đội quân cửu vạn “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”. Ấy vậy, chị đã có “kinh nghiệm” mười năm có lẻ trong nghề cửu vạn biên giới. Ở tuổi 38,  khóe mắt chị hằn lên những vết chân chim không khác gì bà lão.

Hà Thị Huệ, người phụ nữ đã luống tuổi. Dường như khuôn mặt người đàn bà này đã vắt kiệt nước mắt trước những nỗi đau đến với gia đình mình. Vẻ đẹp xuân sắc của thời con gái vẫn còn vương lại trên gương mặt bà. Khi hỏi quê quán thì bà chỉ im lặng. Hồi lâu, bà kể về hành trình đến với nghề cửu vạn. Thời trẻ, bà đã tình nguyện gia nhập đội thanh niên xung phong “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Năm 1975, giải phóng miền Nam, bà trở lại quê hương công tác. Tiếng sét ái tình khiến bà mê muội, đem lòng yêu thương một chàng cán bộ trẻ cùng cơ quan.

Hạnh phúc chẳng tày gang, khi bà đang mang thai đứa con, người chồng đã phụ bạc, chạy theo người phụ nữ khác. Kinh tế gia đình không có, bụng mang dạ chửa, bà đành dắt theo đứa con gái về nhà mẹ đẻ. Gần 20 năm một mình vò võ nuôi 2 đứa con, những mong cháu có được cuộc sống gia đình hạnh phúc. Người con gái thứ 2 của bà tên Hoa vừa tròn 18 tuổi đã tha phương để phụ giúp mẹ trang trải cuộc sống. Khi Hoa vừa chân ướt chân ráo xuống Thủ đô, cô đã bị lừa đem bán sang Trung Quốc.

Hơn 5 năm làm nghề cửu vạn ở đây, bà vẫn bặt vô âm tín thông tin về con mình. Bà bảo nếu không tìm được con, bà sẽ không về quê. Những khi ốm đau, những người phụ nữ cùng cảnh lại xúm vào đỡ đần, chăm lo bà như người thân của họ. Bà coi nơi đây như quê hương thứ 2 của mình. Ngày lại ngày, khi những nếp khói lam chiều xuất hiện, khóe mắt bà đã vắt kiệt nước mắt vừa ngóng việc, đau đáu, dõi về hướng cửa khẩu Chi Ma...

Xe hàng gánh cả cuộc sống của gia đình chị Hiền
Xe hàng gánh cả cuộc sống của gia đình chị Hiền

Vắt mồ hôi là ráo tiền

Không thể thống kê được chính xác, số người tham gia vào đội quân cửu vạn trên biên giới Lạng Sơn. Họ chủ yếu là lao động nữ, kinh tế gia đình khó khăn, có số phận hẩm hiu ở nhiều tỉnh đến. Họ bán sức lao động để sống qua ngày, không được ai bảo vệ.

Dường như, những người có cùng cảnh ngộ họ sống với nhau tình nghĩa, chan hòa hơn. Ở nơi đất khách quê người, họ nương tựa vào nhau để sống.

Biệt tăm con, bà như điên dại, hễ nghe tin của con ở đâu bà lại lao đi tìm, lần theo dấu chân con gái mình. Gần năm sống một mình ở nơi biên giới, hy vọng tìm được con, nhưng tuyệt nhiên vô vọng. Tiền hết, bà không có lựa chọn, đành sống bằng nghề cửu vạn, hy vọng mong manh tìm lại được con.

Trong số những người đến vùng biên làm nghề cửu vạn, không ít người ấp ủ tham vọng, muốn làm giàu nhanh. Số ít, trong đầu họ luôn bị ám ảnh bởi tiếng sột soạt của đồng tiền xanh đỏ. Họ bất chấp pháp luật, miễn là kiếm được nhiều tiền nhanh. Nếu một người lao động chân chính, thu nhập bình quân mỗi ngày khoảng 200 nghìn đồng. Trong khi mức sinh hoạt ở biên giới đắt đỏ, nhiều người không chịu được gian khổ, bị dụ dỗ, lao vào con đường làm ăn phi pháp: Vận chuyển hàng lậu, mại dâm, bắt mối buôn người qua biên giới…  Việc vận chuyển hàng lậu nguy hiểm, nhưng được chủ hàng trả tiền công hậu hĩnh so với những người lao động làm công ăn lương, vắt mồ hôi là ráo tiền. Có người ban đầu mới làm nghề cửu vạn, không chịu được khổ, nghe lời “đường mật” đã về quê lừa gạt, môi giới bán người sang Trung Quốc. Khi đã hết “vốn”, cùng đường đem cả con gái của mình đi bán trinh… như một món hàng. “Đối tượng vận chuyển hàng lậu chủ yếu là người phụ nữ nghèo, làm thuê. Nhiều lần, chúng tôi đã bắt được quả tang, tịch thu hàng lậu. Nhưng do số lượng không lớn nên chỉ xử phạt hành chính” - ông Bùi Văn Phấn, Phó Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh nói.

Mỗi người phụ nữ đến với nghề cửu vạn ở vùng biên này đều có hoàn cảnh éo le. Họ rời bỏ làng quê tha phương, mong kiếm được miếng cơm manh áo, cải thiện kinh tế gia đình. Họ chấp nhận một cuộc sống gian khổ ở vùng biển ải. Dù nguy hiểm, bị chà đạp nhân phẩm, đầy cám dỗ, bán sức người, đổi lấy những đồng tiền công rẻ mạt nhưng họ vẫn chấp nhận. Chia tay họ - những nữ “chiến binh” cửu vạn biên giới, rời cửa khẩu Chi Ma. Chợt thấy lòng bỗng xót xa…

Trần Minh Tuấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ