(GD&TĐ) - Có thể nói, chính sách phân luồng học sinh THCS và THPT góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nhân lực. Tuy nhiên, dù rất nhiều biện pháp đã được đưa vào thực hiện, nhưng công tác phân luồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng yêu cầu.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách và cơ chế để thực hiện phân luồng học sinh từ việc giáo dục hướng nghiệp, tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng chính sách đào tạo liên thông giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học cho đến việc phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp với hệ thống các Trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm dạy nghề, các trường dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp.
Học nghề vẫn chỉ là lựa chọn cuối cùng
Từ năm 1993 - 2001, hệ thống các cơ sở đào tạo trung học nghề phát triển mạnh, thực hiện tốt công tác phân luồng sau THCS. Học sinh được học cả các môn văn hóa và các môn học chuyên môn nghề nghiệp phù hợp. Sau khi Luật Giáo dục năm 1998 ra đời, hệ trung học nghề không còn nữa, việc phân luồng vào giáo dục nghề nghiệp được thay thế bởi sự phát triển mở rộng quy mô giáo dục THPT. Việc không có cơ chế đào tạo liên thông kèm theo sự thay đổi cơ quan đầu mối quản lý về dạy nghề và trong khi khả năng tiếp nhận của các trường CĐ, ĐH hạn chế nên phần lớn các địa phương dư thừa học sinh tốt nghiệp THPT. Bộ GD&ĐT cho phép các trường THCN lúc bấy giờ tuyển cả học sinh tốt nghiệp THPT vào đào tạo. Để khuyến khích mạnh hơn học sinh vào học TCCN, Bộ cũng đã chỉ đạo các địa phương, các trường thực hiện xét tuyển trong tuyển sinh, tuyển sinh nhiều đợt trong một năm và cho phép các trường tuyển học sinh trượt tốt nghiệp THPT và bỏ học giữa chừng để vào học TCCN...
Phân luồng học sinh THCS – THPT góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nguồn nhân lực |
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, trong 2 năm học 2006 - 2007 và 2007 - 2008, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT tương ứng là 69% và 70,7%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở dạy nghề và TCCN rất thấp. Năm học 2007 - 2008, tỷ lệ vào học trong cơ sở dạy nghề là 2,5%, học TCCN chiếm 1,8%. Trong khi đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS không tiếp tục học năm học 2007 - 2008 là 17,5%. |
Có thể nói, chính sách phân luồng học sinh THCS và THPT góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nhân lực.
Tuy nhiên, dù rất nhiều biện pháp đã được đưa vào thực hiện, nhưng công tác phân luồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng yêu cầu. Theo đánh giá của chiến lược phát triển giáo dục 2000 - 2010, chúng ta chưa đạt được những mục tiêu về phân luồng.
Có một thực tế là, hầu hết học sinh tốt nghiệp THCS đều có nhu cầu tiếp tục học THPT và hầu hết học sinh tốt nghiệp THPT có nhu cầu vào ĐH, CĐ, nếu không đỗ mới quay sang học TCCN hoặc học nghề, chưa kể một phần không nhỏ sẽ tiếp tục ôn tập để chờ thi năm sau hoặc đi làm. Quy mô tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm học 2007-2008 tăng hơn năm học trước vào khoảng gần 24%, đưa quy mô tuyển sinh vào CĐ và ĐH trên 405.000 sinh viên, chiếm 43,8% học sinh tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, học sinh tốt nghiệp THPT vào học TCCN là 280.903, chiếm 30,3%; phần còn lại học nghề hoặc chưa tiếp tục học. Cũng năm học 2007-2008, cả nước có khoảng 156.000 học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không vào học trong các cơ sở đào tạo nghề. Nếu cộng cả số học sinh tốt nghiệp THPT chưa tiếp tục học với số bỏ học và trượt tốt nghiệp hàng năm thì con số này lên tới gần 400.000. Nếu những học sinh này được học nghề sớm thì chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Liên thông CĐ và tái cơ cấu trường nghề là giải pháp đột phá
Cả nước hiện có 591 cơ sở giáo dục (chưa kể các trường quân sự tỉnh) được giao nhiệm vụ tuyển sinh đào tạo trình độ TCCN. Theo công bố của Bộ GD&ĐT, năm 2012 có 33 cơ sở đào tạo TCCN không tuyển được học sinh, nhiều trường không tuyển đủ thí sinh so với chỉ tiêu được thông báo. Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (GDCN), thường trực BCĐ đào tạo theo nhu cầu xã hội (Bộ GD&ĐT) Hoàng Ngọc Vinh cho biết, mỗi năm, các trường TCCN tuyển sinh được khoảng 25 - 30 ngàn học sinh, số học sinh vào trường nghề còn ít hơn nhiều.
Học sinh Trường phổ thông nội trú Chợ Đồn (Bắc Kạn) theo học chương trình hướng nghiệp sau THCS |
Học sinh tốt nghiệp THCS có thể đi theo 4 luồng là THPT, bổ túc THPT, học nghề, TCCN và không tiếp tục học nữa. Quy mô phát triển của các cấp học sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến dòng chảy của học sinh đi theo các luồng khác nhau. Ngoài ra, những yếu tố thị trường lao động và sự liên thông với giáo dục sau trung học sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến sự phân luồng học sinh sau THCS. Đối với phân luồng sau THPT, quy mô phát triển giáo dục ĐH và cơ hội việc làm sẽ mang tính quyết định.
Ngành Giáo dục đã đưa ra mục tiêu từ năm 2010 đến năm 2020 phải thu hút 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN và học nghề. Hàng loạt giải pháp cũng được đặt ra để thực hiện mục tiêu này. Thời gian tới, hội nghị về phân luồng học sinh sau THCS cũng sẽ được Bộ GD&ĐT tổ chức nhằm xây dựng giải pháp cụ thể thực hiện nhiệm vụ của chỉ thị số 10-CT/TW và Kết luận số 51-KL/TW. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Ngọc Vinh, giải pháp có nhiều nhưng khó nhất là điều kiện để thực hiện giải pháp và quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội. Cần phải đổi mới căn bản toàn diện giáo dục mà tái cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp để hình thành lại hệ thống các trường trung học nghề, trung học kỹ thuật, liên thông lên các trường cao đẳng 2 năm và đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp có thể xem là khâu đột phá cho phân luồng.
Hiếu Nguyễn