Đặc biệt, những phân tích về trách nhiệm trong việc phân luồng học sinh, sáp nhập các trung tâm, tự chủ tuyển sinh… của Bộ trưởng đã được các cán bộ, giáo viên nhiệt liệt đồng tình, ủng hộ.
Ngành Giáo dục không thể một mình nhận lãnh trách nhiệm về phân luồng
Phải điều chỉnh lại nhận thức của xã hội, điều chỉnh lại nhận thức trong chúng ta, rằng ngành Giáo dục không thể nhận lãnh trách nhiệm một mình trong việc phân luồng. Đây là trách nhiệm của xã hội, và giáo dục có một phần trách nhiệm trong đó để làm phân luồng cho tốt.
Mới đây, trong các cuộc họp của Chính phủ và Trung ương, Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã phát biểu khẳng định việc phân luồng không phải trách nhiệm chính của Bộ GD&ĐT.
Chia sẻ với các cán bộ, giáo viên miền Trung về vấn đề này, Bộ trưởng ví von hình ảnh: Việc phân luồng Bộ GD&ĐT trước đây làm theo đường mòn cũ. Bây giờ phân luồng lên con đường mới, trách nhiệm quản lý chính là của những người làm con đường mới đó, làm sao để đường rộng rãi, thênh thang, thuận tiện, an toàn, đầy đủ các dịch vụ, thu hút người lưu thông.
Theo con số thống kê, công tác phân luồng có hiệu quả tốt. Biểu hiện cụ thể nhất là số lượng thí sinh đăng ký vào các trường ĐH, CĐ năm nay giảm so với năm trước, lượng thí sinh học nghề tăng lên.
Ngành Giáo dục có một phần trách nhiệm trong phân luồng, đó là tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh THCS, THPT.
Về giải pháp sắp tới, Bộ trưởng cho biết: Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 29 và gần đây đã có cuộc họp, chủ động bàn việc phân luồng, nâng cao chất lượng đào tạo, hoàn thiện hệ thống để liên thông giữa đào tạo nghề và hệ thống giáo dục đào tạo bên này, liên thông trong nội bộ hệ thống nghề, nội bộ hệ thống giáo dục, cũng như liên thông giữa hệ thống của chúng ta với hệ thống giáo dục các nước ASEAN để cố gắng chủ động hội nhập ASEAN vào năm 2015.
Điều gì thuộc thẩm quyền, hai Bộ trưởng sẽ quyết định, điều gì vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Thủ tướng xử lý.
Tư vấn tuyển sinh vào trường nghề ở TPHCM |
Sáp nhập ba trung tâm – vướng mắc ở những việc cục bộ
Từ thực tế ba trung tâm GDTX, trung tâm hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề ở các địa phương đang yếu kém cả về trang thiết bị, đội ngũ, hoạt động không có hiệu quả, nguồn lực của Nhà nước không đủ để đầu tư phân tán vào cả ba trung tâm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã thống nhất trao đổi và phát biểu trước Quốc hội: Cần thống nhất, phối hợp, tổ chức lại các trung tâm.
Bộ trưởng phân tích: Làm như vậy đúng với tinh thần chỉ đạo của Đảng - đó là cấu trúc lại nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới, ưu tiên chất lượng và hiệu quả, và trong Nghị quyết 29 có nội dung tất cả các cấp các ngành trên tinh thần đó, chủ động điều chỉnh mô hình của mình.
GD – ĐT cung cấp nguồn nhân lực cũng phải tiến hành cơ cấu lại, điều chỉnh lại hệ thống. Và ngành Giáo dục phải làm trước để có nguồn nhân lực tốt điều chỉnh mô hình kinh tế.
Câu hỏi đặt ra: Vậy trung tâm nào sáp nhập vào trung tâm nào? Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ rõ: Lấy lợi ích của sự phát triển để cân nhắc sáp nhập.
“Không lấy lợi ích cục bộ, rằng Trung tâm này thuộc Bộ LĐ – TB&XH, nếu bây giờ sáp nhập vào Trung tâm của Bộ GD&ĐT thì Bộ LĐ – TB&XH cảm thấy mất mát và ngược lại. Vì lợi ích chung, lấy trung tâm nào mạnh nhất làm hạt nhân để sáp nhập những trung tâm yếu hơn, không quan tâm trung tâm mạnh đó thuộc ngành nào quản lý” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ đạo.
Cùng đó, Bộ trưởng chỉ rõ vướng mắc nhất trong việc sáp nhập hiện nay không phải về căn cứ pháp lý mà do vẫn còn lấn cấn cục bộ, cảm giác được – mất. Bộ trưởng đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT và Sở LĐ - TB&XH trên cơ sở nguyên tắc vì lợi ích chung, vì sự phát triển để thống nhất về cách thức, đề từ đó có đề xuất tới tỉnh ủy, UBND.
Chủ động sáng tạo trên cơ sở quy định hiện hành
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Hiện Bộ GD&ĐT đang tiến hành các công việc liên quan đến đến vị trí, việc làm trong các cơ sở mầm non, trong đó có tính đến việc nuôi và dạy.
Theo Bộ trưởng, tùy vào tình hình thực tế của mỗi nơi để bố trí việc có người nuôi và dạy riêng hay là kết hợp công việc. Nếu cơ sở mầm non ở thành phố, thị xã có quy mô lớn, các cháu nhiều, đội ngũ giáo viên mầm non đông, việc ăn uống cần phải có cô nuôi riêng. Nhưng ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, số lượng các cháu học và đội ngũ giáo viên ít, quy mô nhỏ, nên kết hợp cô nuôi và cô dạy.
Theo tinh thần mới của Chính phủ, cần tính toán vị trí việc làm, bố trí biên chế, tránh việc hành chính, bao cấp trước đây là có công việc gì thì phải có nhân viên ấy.
Hiện nhiều cơ sở giáo dục đào tạo, cũng như nhiều cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp không cần có biên chế kế toán riêng mà thuê dịch vụ kế toán của một công ty.
Tiền thuê cơ sở giáo dục bỏ ra ít hơn tiền chi phí để có một biên chế. Còn nhân viên kế toán nhận tiền ở mỗi cơ sở ít nhưng tổng thu nhập một tháng lại cao hơn – Bộ trưởng phân tích.
“Có việc chính phủ, bộ, liên bộ sẽ làm nhưng nhiều vấn đề thực tiễn mỗi nhà trường, mỗi người quản lý phải chủ động sáng tạo dựa trên những quy định hiện hành của Nhà nước, làm sao để tổ chức, cơ quan chi tiêu hiệu quả, tiết kiệm nhưng người lao động tăng thu nhập, có thêm việc làm chính đáng” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ.
Học sinh các trường THPT trải nghiệm nghề may ở Công ty CP May Nhà Bè (TP HCM). |
Tranh thủ chuẩn bị nguồn vốn để phát triển trường nghề
Xu thế đảm bảo quyền tự chủ và luật hiện hành không cho phép các cơ quan quản lý Nhà nước - trong đó có Bộ GD&ĐT - can thiệp sâu vào việc chuyên môn. Luật GD ĐH, Luật GD dạy nghề và các Luật khác mà Quốc hội thông qua đều theo xu thế tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo. Đây là xu thế tiến bộ và chúng ta phải tuân thủ.
Giải thích rõ về việc đầu tư về dạy nghề, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Bằng nguồn vốn Chính phủ, chu kỳ trước, Chính phủ và nhân dân đầu tư cho giáo dục với 7 chương trình mục tiêu quốc gia do Bộ GD&ĐT chủ trì.
Đến chu kỳ này là đầu tư cho dạy nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì. Ngành Giáo dục hoàn toàn có thể tranh thủ chuẩn bị nguồn vốn đề phát triển các trường nghề với tinh thần tất cả đều vì sự phát triển chung, vì lợi ích của nhân dân, của học sinh, không mang tính cục bộ của một ngành nào.
Liên quan đến vấn đề về tuyển sinh, biên chế, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận một lần nữa nhấn mạnh: Các cơ sở đào tạo nghề nghiệp, bao gồm Trường TCCN, dạy nghề, cao đẳng, ĐH và trên nữa hoàn toàn có quyền tự chủ, do các Hội đồng đào tạo, Hội đồng khoa học của trường xem xét, cân nhắc và quyết định. Bộ GD&ĐT không quản việc này.