Phần Lan có Thủ tướng trẻ nhất thế giới

GD&TĐ - Đảng Dân chủ Xã hội - đảng lớn nhất trong liên minh trung tả cầm quyền ở Phần Lan, đã chọn Bộ trưởng Giao thông Sanna Marin làm người lãnh đạo, sau khi người tiền nhiệm Antti Rinne từ chức Thủ tướng. Năm nay bà Marin mới 34 tuổi.

Bà Sanna Marin, 34 tuổi, vừa được lựa chọn là tân Thủ tướng của Phần Lan. Ảnh: Findland today
Bà Sanna Marin, 34 tuổi, vừa được lựa chọn là tân Thủ tướng của Phần Lan. Ảnh: Findland today

Chính phủ của các nữ tướng

Bà Marin sẽ đứng đầu liên minh trung tả với 4 đảng khác, điều đặc biệt là tất cả đều do phụ nữ đứng đầu. Khi nhậm chức trong tuần này, bà Marin sẽ là Thủ tướng đương nhiệm trẻ nhất thế giới.

Trước đó có Thủ tướng Jacinda Ardern của New Zealand 39 tuổi, Thủ tướng Oleksiy Honcharuk của Ukraine 35 tuổi. Bà cũng là nữ Thủ tướng thứ ba của Phần Lan.

Là đảng lớn nhất ở Phần Lan trong cuộc bầu cử tháng 4 vừa qua, đảng Dân chủ Xã hội có thể chọn người của mình làm Thủ tướng của quốc gia Bắc Âu 5,5 triệu dân.

Bà Marin được lựa chọn sau khi ông Antti Rinne phải từ chức tuần trước do rạn nứt trong liên minh cầm quyền. Đảng Trung dung, một đối tác chủ chốt trong liên minh, nói rằng họ đã mất tín nhiệm với vị Thủ tướng 57 tuổi do cách ông xử lý cuộc bãi công kéo dài đã 2 tuần của ngành bưu điện.

Phát biểu sau khi giành chiến thắng với khoảng cách hẹp để chọn người lãnh đạo của đảng Dân chủ Xã hội, bà Marin nói: “Chúng ta có rất nhiều việc phải làm phía trước để tạo dựng niềm tin… Tôi chưa bao giờ nghĩ về tuổi hoặc giới tính của tôi. Tôi chỉ nghĩ về những lý do tôi tham gia chính trị và về những điều mà nhờ đó chúng ta giành được sự tin tưởng của cử tri”.

4 đảng khác trong liên minh cầm quyền ở Phần Lan cũng do phụ nữ lãnh đạo, và 3 trong 4 người là dưới 35 tuổi: Đảng Liên minh cánh tả do bà Li Anderson 32 tuổi đứng đầu; Đảng Liên đoàn Xanh do bà Maria Ohisalo 34 tuổi đứng đầu; Đảng Trung dung có lãnh đạo là bà Katri Kulmuni 32 tuổi, và đảng Nhân dân Phần Lan có bà Anna-Maja Henriksson 55 tuổi lãnh đạo.

Nhiệm vụ khó khăn

Mặc dù là ngôi sao đang lên trên chính trường, song bà Marin lên nắm quyền vào thời điểm đầy chông gai. Phần Lan đang ở giữa làn sóng bãi công, và cuộc bãi công mới kéo dài 3 ngày bắt đầu từ ngày 9/12 trong khi bà Marin có thể nhậm chức vào ngày 10/12.

Cuộc bãi công làm đình trệ hoạt động của nhiều công ty lớn nhất Phần Lan và đã lan rộng sang các ngành công nghiệp khác, trong đó có cả hãng hàng không quốc gia Finnair. Liên đoàn Công nghiệp Phần Lan ước tính, bãi công sẽ khiến các công ty này mất đi khoản thu nhập tổng cộng khoảng 500 triệu euro.

Đây cũng là thời điểm mà đảng Dân chủ Xã hội và các đối tác khác trong liên minh cầm quyền tụt hậu trong cuộc thăm dò ý kiến toàn quốc. Đảng Nhân dân Phần Lan đạt mức điểm tín nhiệm cao nhất với 24%, đảng Liên minh quốc gia trung hữu đạt 19%, trong khi đảng Dân chủ Xã hội chỉ đạt 13%, hơn một chút so với đối tác liên minh là đảng Trung dung ở mức 11 điểm.

Theo BBC, sẽ không có những thay đổi lớn về chính sách khi bà Marin lên nắm quyền. Liên minh trung tả đã đồng ý tiếp tục chương trình chính trị của họ, trong đó nhấn mạnh vấn đề tạo việc làm và theo đuổi các mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm cả việc chuyển đổi Phần Lan thành nền kinh tế carbon trung tính vào năm 2035.

Về đối ngoại, thời điểm thay đổi lãnh đạo cũng không mấy dễ dàng với Phần Lan, khi quốc gia này đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU cho đến cuối năm nay và phải đóng vai trò quan trọng trong việc đề ra ngân sách mới cho cả khối.

Các nhà lập pháp có thể thông qua việc chỉ định bà Marin và chính phủ mới của bà rất nhanh chóng, để bà có thể đại diện cho Phần Lan tại Hội nghị Thượng đỉnh các lãnh đạo EU ở Brussels vào ngày 12/12 tới.

Chính trị gia ngôi sao

Báo chí cho biết, Sanna Marin lớn lên trong một “gia đình cầu vồng” - gia đình đồng tính, cùng với mẹ và bạn đời là nữ. Gia đình họ thuộc tầng lớp lao động và sống trong một căn hộ đi thuê. Năm 2015, Marin từng kể với trang web tiếng Phần Lan Menaiset rằng khi nhỏ, bà cảm thấy mình bị phân biệt đối xử, là “người vô hình”, bởi bà không thể nói chuyện cởi mở về gia đình mình.

Nhưng Marin cho biết, mẹ bà luôn rất ủng hộ con gái và làm cho bà tin tưởng rằng có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn. Marin là người đầu tiên trong gia đình đi học đại học. Là một người theo trường phái tự do thiên tả, Marin nổi lên mạnh mẽ trên chính trường Phần Lan kể từ khi trở thành người đứng đầu hội đồng thành phố Tampere quê hương vào năm 2012 khi mới 27 tuổi, và trở thành nghị sĩ năm 2015.

Bà là Bộ trưởng Giao thông và Truyền thông từ tháng 6/2019 trong chính phủ của ông Rinne. Bà đã có cơ hội thể hiện khả năng lãnh đạo hồi đầu năm nay. Là Phó Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội cho ông Rinne khi ông phải nghỉ ốm đầu năm, bà đã giúp đưa đảng này giành chiến thắng hẹp trong cuộc bầu cử quốc gia đầu năm nay.

Cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb của giai đoạn 2014 - 2015, viết trên Twitter rằng ông vui mừng vì lãnh đạo của 5 đảng trong chính phủ là phụ nữ, dù đảng của ông không tham gia liên minh này. “Điều đó thể hiện rằng Phần Lan là một đất nước hiện đại và tiến bộ... Một ngày nào đó giới tính không còn là vấn đề trong chính phủ nữa”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ