Phấn khởi và tự hào về lực lượng cán bộ nòng cốt trong giảng dạy và NCKH

Phấn khởi và tự hào về lực lượng cán bộ nòng cốt trong giảng dạy và NCKH

(GD&TĐ)-Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã ghi nhận những cống hiến to lớn của đội ngũ các thầy, cô giáo, nỗ lực không ngừng đóng góp công sức, trí tuệ đào tạo cho đất nước lớp lớp những nhà khoa học, những nhà lãnh đạo, những công dân tài ba..., đóng góp cho sự thành công của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.

vcvc
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: Biết bao thế hệ các thầy, cô giáo đã nỗ lực không ngừng đóng góp công sức, trí tuệ, đào tạo cho đất nước lớp lớp những nhà khoa học, những nhà lãnh đạo, những công dân tài ba..., đóng góp cho sự thành công của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.Ảnh: gdtd.vn

Phó Chủ tịch nước khẳng định: “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo” là nét đẹp, là truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, luôn được Đảng, Nhà nước vun đắp, phát triển. Truyền thống đó đã trở thành đạo lý cao cả, thiêng liêng, đã thấm sâu vào trong nhận thức tình cảm của mỗi người. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 chính là ngày để mỗi người dân, mỗi học trò thể hiện đạo lý đẹp đẽ ấy.

Vì vậy, ngày 20-11 hàng năm không chỉ là ngày hội của riêng ngành Giáo dục mà là ngày hội của toàn xã hội – Ngày hội tôn vinh nghề dạy học, tôn vinh các nhà giáo, những người đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước ở mọi thời kỳ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”.

Thấm nhuần lời dạy đó, biết bao thế hệ các thầy, cô giáo đã nỗ lực không ngừng đóng góp công sức, trí tuệ, đào tạo cho đất nước lớp lớp những nhà khoa học, những nhà lãnh đạo, những công dân tài ba..., đóng góp cho sự thành công của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước. Có những nhà giáo ngày đêm cắm bản, cắm trường, bám lớp ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo xa xôi; hy sinh thầm lặng, miệt mài, tận tụy, tâm huyết với sự nghiệp GD-ĐT. Có những nhà giáo gắn bó với các em câm điếc, mù lòa, khuyết tật,... Giảng dạy với trẻ em bình thường đã khó, với người khuyết tật thì khó khăn, vất vả hơn nhiều. Có thể nói, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, đội ngũ người thầy vẫn không ngừng lớn mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng. Đặc biệt, trong sự nghiệp CNH-HĐH, hội nhập quốc tế hiện nay, các thầy, cô giáo đã đem hết tình cảm và trí lực để “Nâng cao dân trí- Đào tạo nhân lực- Bồi dưỡng nhân tài”, đóng góp quan trọng cho sự phát triển, đi lên của đất nước.

Nhiều thầy giáo, cô giáo đã là tấm gương về phẩm chất đạo đức, tác phong và trí tuệ cho các em học sinh, sinh viên noi theo. Với tất cả tấm lòng và nhiệt huyết, hầu hết các thầy cô đã gắn bó cả cuộc đời với nghề nghiệp. Đây chính là cội nguồn của sức mạnh, của tinh thần đoàn kết, thống nhất, làm nên những thành tích vẻ vang của giáo dục đào tạo Việt Nam trong suốt mấy thế kỷ qua. Sức mạnh và tinh thần đoàn kết, thống nhất đó chính là động lực thúc đẩy đội ngũ nhà giáo tiếp tục phấn đấu, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, làm sáng danh thiên chức Nhà giáo Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước nhận định, đất nước ta những năm qua đã thu được nhiều thành tựu phát triển rất đáng tự hào trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Những thành công ấy không tự nhiên mà có, mà đó là kết quả của quá trình phấn đấu lâu dài, là sức mạnh, trí tuệ Việt Nam. Giáo dục và đào tạo nước nhà đã đóng góp quan trọng vào sự thành công đó. Đồng thời, giáo dục – đào tạo đã không ngừng phát triển cả lượng và chất, được Đảng, Nhà nước và xã hội đánh giá cao.

Đặc biệt, sau gần hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, ngành Giáo dục – đào tạo đã chủ động, sáng tạo, kế thừa những thành tựu đã đạt được trên cơ sở thực tiễn đất nước, học hỏi, chắt lọc tinh hoa thế giới để tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo; chủ động tự nhìn nhận lại để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, yếu kém, từ đó có được những đổi mới từ nhận thức đến hành động. Vai trò, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo ngày càng được khẳng định, tác động tích cực tới sự nghiệp đổi mới, phát triển của ngành, bước đầu tạo được những nhân tố mới trong giáo dục. Chất lượng giáo dục đại trà đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục “vùng trũng” được nâng lên, chất lượng giáo dục “đỉnh cao” có những khởi sắc và tiếp tục được khẳng định bằng những thành quả đáng trân trọng.

Phó Chủ tịch nước khẳng định, công lao này, ngoài sự quan tâm, chăm sóc của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội thì trước hết thuộc về đội ngũ thầy giáo, cô giáo và những người làm quản lý giáo dục. Nhìn vào đội ngũ nhà giáo hôm nay, chúng ta thực sự phấn khởi, tự hào về lực lượng cán bộ nòng cốt trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học của cả nước (với hơn 1,2 triệu nhà giáo, 528 nhà giáo nhân dân, 6.736 nhà giáo ưu tú, trên 9000 tiến sĩ, 2600 giáo sư và phó giáo sư, 36 ngàn thạc sĩ...). Các thầy, các cô đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục – đào tạo, tạo tiền đề để bứt phá, đổi mới mạnh mẽ phương thức dạy và học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các nhà trường.

Song, cũng phải nói rằng, càng vinh dự, tự hào bao nhiêu, chúng ta lại càng phải ý thức sâu sắc bấy nhiêu về trách nhiệm vẻ vang và nhiệm vụ nặng nề của sự nghiệp giáo dục – đào tạo trong thời kỳ mà vai trò của giáo dục – đào tạo đã được xác định là quốc sách hàng đầu, cạnh tranh trong phát triển chính là cạnh tranh trong giáo dục – đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhất là hiện nay, ngành Giáo dục – đào tạo đang phải đối mặt với nhiều vấn đề gai góc mà xã hội đang đặt ra và đòi hỏi chúng ra phải suy nghĩ.

Đứng trước yêu cầu mới, bản chất nghề nghiệp đòi hỏi người thầy giáo phải không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức người thầy. Mỗi thầy giáo, cô giáo, mỗi cán bộ quản lý giáo dục mà trước hết là những Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú phải là một tấm gương sáng về đạo đức, về tinh thần tự học và sáng tạo, về trình độ và năng lực, về lòng yêu nghề; về sự quan tâm, yêu thương đối với thế hệ trẻ; về tinh thần tận tụy và trách nhiệm trong công việc để đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, phát triển tư duy, trí tuệ cho học sinh. Đây không những là yêu cầu mà còn là tiêu chuẩn thi đua đối với cán bộ làm công tác giáo dục trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước.

Phó Chủ tịch nước đề nghị ngành GD&ĐT tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng, các Nghị quyết, kết luận của Trung ương về GD&ĐT, về chiến lược phát triển GD&ĐT giai đoạn 2011-2020, đồng thời xuất phát từ thực tiễn hiện nay, xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ của ngành và kiên trì thực hiện những nhiệm vụ quan trọng cho sự phát triển bền vững của ngành Giáo dục nói riêng và của đất nước nói chung. Đặc biệt, phải quan tâm, bồi dưỡng đội ngũ thầy, cô giáo để đội ngũ này xứng đáng với niềm tự hào, sự trân trọng của toàn xã hội.

Hiếu Nguyễn (ghi) 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ