(GD&TĐ) - Mô hình trường học mới được khởi nguồn từ Côlômbia những năm 1995- 2000 với mục đích dạy học những lớp ghép ở vùng miền khó khăn theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Mô hình được triển khai tại Việt Nam đã phát huy hiệu quả song cũng tồn tại nhiều thách thức đòi hỏi các địa phương khi tham gia phải có sự chuẩn bị và quyết tâm.
Lào Cai: Phụ huynh muốn con em học mô hình trường học mới
Theo bà Trần Minh Thu- Trưởng phòng Tiểu học- Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai cho biết: Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới gồm 8 huyện và 01 thành phố với 164 xã, phường. Trong đó có 6 huyện nghèo nhất nước, 95 xã đặc biệt khó khăn. Mô hình trường học mới được triển khai tại Lào Cai đã thu được những kết quả khả quan. Việc dạy và học theo tài liệu của mô hình trường học mới bước đầu đã đi vào nền nếp. Học sinh đã quen với học nhóm, học sinh tự điều khiển trong nhóm để đọc mục tiêu, đọc yêu cầu và tự trả lời câu hỏi, tự làm bài tập đã giúp học sinh có thể chủ động hơn, giảm bớt sự phụ thuộc vào thầy, cô giáo. Nhiều học sinh đã thể hiện được khả năng của mình khi điều khiển và có thể hướng dẫn các bạn khác học không khác gì một giáo viên.
Với thầy cô giáo cũng giảm bớt được việc “biểu diễn” như nói nhiều hoặc làm thay cho học sinh hoặc tự cho mình quyền “quyết định” mọi hoạt động trong lớp. Với mô hình này giáo viên cũng phải làm quen với cách tự học, tư tra cứu thông tin để đáp ứng yêu cầu của bài học không phụ thuộc vào sách hướng dẫn như trước kia.
Mô hình trường học mới tạo điều kiện cho trẻ em khó khăn được học tập. Ảnh: Minh Thu |
Từ những trường áp dụng mô hình trường học mới còn ghi nhận sự phấn khởi, tin tưởng của cha mẹ học sinh khi con em được học theo chương trình này. Không ít phụ huynh còn mong muốn cho con em mình được học trong những năm tiếp theo...
Song theo bà Minh Thu quá trình triển khai mô hình trường học mới tại Lào Cai cũng chỉ ra nhiều khó khăn. Trước tiên về mặt tài liệu. Do nhiều năm nay học sinh được cấp đủ 1 bộ sách giáo khoa/1 học sinh nên khi phải áp dùng chung sách nhiều giáo viên tỏ ra lúng túng, cha mẹ học sinh tỏ ra nghi ngại, băn khoăn và không yên tâm.
Dưới góc độ giáo viên cho thấy, với trình độ giáo viên xuất phát điểm thấp, năng lực thực sự không đồng đều, thời gian tập huấn ngắn chưa đủ để giáo viên áp dụng một cách thành thạo để đạt kết quả như mong muốn. Nhiều giáo viên chưa mạnh dạn, tự tin để linh hoạt điều chỉnh các nội dung, thời lượng dạy học cho phù hợp với học sinh lớp mình...
Theo bà Thu để mô hình trường học mới được áp dụng hiệu quả tại Lào Cai cần cung cấp tài liệu đầy đủ và kịp thời hơn nữa, đồng thời cần có sự điều chỉnh tài liệu cho phù hợp, bổ sung tài liệu hoạt động giáo dục. Cần tập huấn sớm cho giáo viên dạy theo mô hình trường học mới, tăng cường bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy và tăng cường tiếng Việt...
Nghệ An: Triển khai thành công bởi làm tốt công tác tuyên truyền
Dự án mô hình trường học mới được triển khai trên 52 trường của 15/20 huyện tại Nghệ An. Theo đánh giá của ông Trần Thế Sơn- Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học- Sở GD&ĐT Nghệ An: mô hình này đã phát huy nhiều hiệu quả. Các lớp thuộc dự án trường học mới đều thực hiện đúng chương trình dạy học và điều chỉnh, giãn thời gian dạy học ở các môn học, tiết học tùy đối tượng học sinh của từng lớp. Các nhà trường cũng đã chú ý tuyển chọn đội ngũ giáo viên vững về chuyên môn, nhiệt tình, tâm huyết trong giảng dạy để dạy. Giáo viên đã quen hơn với cách dạy các lớp mô hình trường học mới, đã hạn chế giảng giải, thuyết trình để tập trung vào việc quan sát, hướng dẫn, tổ chức học tập, hỗ trợ học sinh.
Phương pháp học mới giúp học sinh giảm bớt phụ thuộc vào thầy cô giáo Ảnh: Minh Thu |
Học sinh học theo mô hình trường học mới đã quen với cách học nhóm. Dưới sự hướng dẫn của nhóm trưởng, các em được rèn luyện nhiều hơn các kỹ năng nghe, nói. Học sinh tự tin, tích cực, chủ động tham gia sôi nổi, hào hứng vào bài học. Cách dạy và học của mô hình trường học mới cũng hình thành được thói quen làm việc trong môi trường tương tác, tạo tiền đề tốt cho học sinh khi trưởng thành và bước vào cuộc sống. Từ những lớp học cũng cho thấy, nhiều học sinh làm nhóm trưởng vững vàng, mạnh dạn, tự tin, có hiệu quả trong việc hướng dẫn các thành viên trong nhóm học tập và hoạt động giáo dục; học sinh được làm việc nhiều hơn, các em tự giác tham gia vào quá trình dạy học của giáo viên, tạo sự gắn kết hơn giữa giáo viên và học sinh. Có thể nói, mô hình trường học mới học sinh đã được giáo dục một cách toàn diện từ tri thức, đến kỹ năng sống, kỹ năng tính toán, kỹ năng hợp tác, kỹ năng làm việc theo hoạt động nhóm...
Tuy vậy, Mô hình trường học mới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như: sách giáo khoa chuyển về trường thiếu, chậm gây ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả dự án. Một số giáo viên chưa quen với cách dạy theo phương pháp, hình thức dạy học mới nên dạy học vẫn còn rập khuôn theo tài liệu, chưa dám mạnh dạn điều chỉnh các ngữ liệu, nội dung cho phù hợp đối tượng học sinh do mình phụ trách...
Quảng Ninh: Vừa làm vừa rút kinh nghiệm
Bắt đầu từ năm học 2012- 2013, dự án mô hình trường học mới chính thức được triển khai ở 1447 trường tiểu học trên toàn quốc trong thời gian 3 năm và Quảng Ninh là tỉnh thuộc nhóm ưu tiên số 2 triển khai thực hiện Dự án tại 14 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh với 16 trường tiểu học tham gia.
Ngay từ gia đoạn đầu mới tiếp cận để thực hiện triển khai thí điểm Dự án, Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Ninh đã xác định đây là mô hình dạy học hiện đại, rèn luyện tính độc lập, sự tự tin, đồng thời kích thích sự sáng tạo của học sinh, rèn kĩ năng hoạt động nhóm. Mô hình đặc biệt phù hợp với lớp học ghép, vùng khó, số lượng học sinh trên một lớp ít, học sinh còn nhút nhát trong việc thể hiện chính kiến. Thông qua hoạt động nhóm học sinh sẽ tự tin, mạnh dạn thể hiện ý kiến của mình hơn...
Tuy vậy, để mô hình thành công rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, các ban ngành đoàn thể... đặc biệt là sự đồng thuận ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần của phụ huynh học sinh, sự nỗ lực quyết tâm của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trường tham gia dự án.
Hiện tại, do mới được áp dụng triển khai nên ban đầu giáo viên còn chưa có kinh nghiệm trong việc tổ chức hoạt động dạy học theo mô hình mới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tài liệu học tập cho học sinh cũng chưa đủ mỗi em 1 bộ nên gây khó khăn cho học sinh khi chuẩn bị bài hoặc giúp cha mẹ học sinh quan tâm đến việc học tập của con. Việc tài liệu chuyển về chậm, làm gián đoạn chương trình và phân tán kiến thức của học sinh nên phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng, gây lo lắng cho nhà trường và cha mẹ học sinh...
Điểm nổi bật của mô hình này là đổi mới các hoạt động sư phạm, đó là đổi mới hệ thống tài liệu dạy học, phương pháp học, phương pháp giáo dục học sinh. Nghệ An triển khai mô hình thuận lợi bởi đã làm tốt công tác tuyên truyền để cha mẹ, học sinh và giáo viên cùng hiểu. Từ đó cũng dễ dàng huy động xã hội hóa trong việc tổ chức lớp học. Phụ huynh sẵn sàng đóng góp kinh phí, ngày công tu sửa, bổ sung, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang trí lại phòng học đẹp, thân thiện và đảm bảo các điều kiện dạy học.. |
Hà Anh