Phấn đấu vượt trên 5% nhiệm vụ thu NSNN

Phấn đấu vượt trên 5% nhiệm vụ thu NSNN
(GD&TĐ) Bộ Tài chính vừa ban hành công văn số 6839/BTC-NSNN về việc đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN từ nay đến cuối năm và hoàn thành chỉ tiêu năm 2010.
Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực, đạt mức tăng trưởng khá trên hầu hết các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Để đạt và vượtchỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh yêu cầu: 
Tăng cường quản lý giá cả và kiềm chế lạm phát
Tăng cường quản lý giá cả và kiềm chế lạm phát. (Ảnh minh họa, internet)
 Tăng cường quản lý giá cả và kiềm chế lạm phát. (Ảnh minh họa, internet)
Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. 
Từ nay đến hết năm 2010, không điều chỉnh giá điện và giá than bán cho điện.
Đối với giá xăng dầu, trường hợp giá thế giới tăng buộc phải điều chỉnh tăng giá bán trong nước, thì doanh nghiệp phải báo cáo Liên Bộ Tài chính – Công thương và thông tin đầy đủ đến các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền cho người dân và xã hội, đồng thời phải đảm bảo giãn cách thời gian giữa các lần điều chỉnh giảm giá bán trong nước; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ thuế. Quỹ bình ổn giá xăng dầu không để giá tăng liên tục trong thời gian ngắn gây tác động bất lợi đến sản xuất và tâm lý người tiêu dùng.
Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trong nước và thế giới, đặc biệt là giá các loại nguyên, nhiên, vật liệu quan trọng là đầu vào của nền kinh tế; kiến nghị, đề xuất kịp thời các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá.
Chủ động phối hợp với cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra thuế kết hợp với kiểm tra giá. Chủ động dự báo nhu cầu sản xuất và tiêu dùng để lập kế hoạch cân đối cung cầu hàng hoá theo từng ngành hàng, địa phương.
Phấn đấu hoàn thành vượt trên 5% nhiệm vụ thu NSNN
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng yêu cầu: các Bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo và phối hợp với ngành Thuế, Hải quan tổ chức thu, nộp NSNN; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các nguồn thu, chống thất thu đặc biệt là ở các doanh nghiệp có số thu lớn, địa bàn trọng điểm và các lĩnh vực thu còn nợ đọng, thất thu.
Ngành Thuế, Hải quan tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên địa bàn phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi chuyển giá, trốn thuế, gian lận thuế, nợ đọng thuế...
Đồng thời, ngành Thuế, Hải quan đẩy mạnh đổi mới phương pháp làm việc; đẩy nhanh tiến trình cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính; triển khai đúng kế hoạch mở rộng thủ tục hải quan điện tử, hiện đại hóa thu NSNN để rút ngắn thêm thời gian thông quan và tiết giảm chi phí đối với hàng hoá xuất khẩu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu thuế góp phần tăng thu NSNN. Tăng cường phối hợp với các ngân hàng thương mại để trao đổi thông tin quản lý thu, mở rộng các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng để tổ chức thu NSNN.
Tăng cường quản lý chi NSNN, tiết kiệm, hiệu quả, giảm bội chi. 
Tăng cường quản lý chi NSNN, tiết kiệm, hiệu quả, giảm bội chi. (Ảnh minh họa, internet)
 Tăng cường quản lý chi NSNN, tiết kiệm, hiệu quả, giảm bội chi. (Ảnh minh họa, internet)
Thực hiện quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách thường xuyên được giao theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu đã ban hành, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí; tổ chức thực hiện rà soát các dự án đầu tư phát triển.
Đồng thời chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục đầu tư, nghiệm thu khối lượng hoàn thành đủ điều kiện thanh toán và làm thủ tục thanh toán với cơ quan thanh toán vốn theo quy định để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB từ NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn xổ số kiến thiết và các chương trình mục tiêu quốc gia...
Cơ quan Tài chính và Kho bạc Nhà nước các cấp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chi NSNN, đảm bảo chi ngân sách đúng chế độ; đồng thời thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, đúng chế độ quy định.
Quản lý, giám sát chặt chẽ thị trường tài chính
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Tài chính thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát theo chức năng đối với các thị trường tài chính, chứng khoản, bảo hiểm... để có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời, đảm bảo cho các thị trường này hoạt động lành mạnh, ổn định.
Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, các công ty bảo hiểm... đảm bảo việc tuân thủ các quy định về quản lý rủi ro và an toàn tài chính; phát hiện, ngăn ngừa và kịp thời xứ lý rủi ro. 
Tổ chức quản lý, theo dõi và dự báo các luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài để có biện pháp đẩy mạnh thu hút, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư dài hạn vào thị trường Việt Nam; đồng thời kiểm soát được các luồng vốn vào - ra và có các giải pháp phòng ngừa tác động bất lợi trong trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn khỏi thị trường.
Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ