(GD&TĐ)- - Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu giai đoạn 2012 - 2015, 60% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục.
Cũng trong giai đoạn này, đề án đặt ra mục tiêu 250.000 người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp. Hằng năm 70% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khoảng 60,000 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp.
Giai đoạn 2016 - 2020, 100% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cơ bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật; 50% người khuyết tật được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông...
Một trong các hoạt động của Đề án là hỗ trợ triển khai giáo dục hòa nhập ở các cấp học thông qua việc xây dựng chương trình, tài liệu; bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý tham gia giáo dục trẻ khuyết tật; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trực tiếp dạy trẻ khuyết tật trí tuệ, khuyết tật nghe, nói, khuyết tật nhìn, khuyết tật ngôn ngữ, tự kỷ. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng và nhân rộng mô hình dạy, học nghề gắn với tạo việc làm cho người khuyết tật; xây dựng thí điểm mô hình phục hồi chức năng lao động cho người khuyết tật tại một số tỉnh.
Dạy nghề, tạo việc làm phù hợp cho người khuyết tật. Kinh phí dạy nghề cho người khuyết tật được bố trí trong Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề với mức hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học…
Lập Phương