(GD&TĐ)-Đó là một trong các mục tiêu cụ thể của dự thảo Chương trình phòng chống TNTT trẻ em giai đoạn 2011 – 2015. Dự thảo này đã được giới thiệu và lấy ý kiến tại cuộc họp diễn hôm nay (16/5) với sự tham gia của đại các Bộ, ngành trung ương, các tổ chức quốc tế và các Sở LĐ-TB&XH.
Bên cạnh đó, chương trình cũng đề ra các mục tiêu như giảm được 20% số vụ TNTT và giảm tử vong do TNTT của trẻ xuống dưới 25/100.000; ít nhất 30% các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn”; 25% số xã đạt chuẩn “Cộng đồng an toàn”…
Chương trình Phòng chống TNTT trẻ em Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015 là sự phối hợp giữa Bộ LĐ-TB&XH với các Bộ, ngành khác như Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Bộ Công an, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… và sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức UNICEF; dự kiến, sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong năm 2011.
Mục tiêu chung của chương trình phòng chống TNTT trẻ em giai đoạn 2011 – 2015 nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng xã hội; tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành và các tổ chức trong việc thực hiện các biện pháp thúc đẩy phòng chống TNTT trẻ em, trên cơ sở hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, chính sách và các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Từng bước hạn chế TNTT và tử vong do TNTT trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước, giao thông.
Trong 2 ngày làm việc, các nhóm sẽ thảo luận về khung chương trình, đánh giá, mục tiêu, chỉ số giám sát và nội dung hoạt động. Đại diện các địa phương cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực hiện mô hình ngôi nhà an toàn phòng chống TTNTT trẻ em…
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 7.300 trẻ em và vị thành niên từ 0 – 19 tuổi, tương đương mỗi ngày có 20 em chết vì TNTT. Trong các nguyên nhân dẫn đến tử vong, nguyên nhân hàng đầu là tai nạn giao thông (31,3%), song đối với nhóm trẻ từ 0 – 15 tuổi thì đuối nước mới là nguyên nhân chính. TNTT để lại hậu quả rất lớn, làm mất đi quyền sinh tồn và phát triển của trẻ, để lại nỗi đau khôn nguôi về tinh thần cho các gia đình. Nhiều em bị tàn tật suốt đời, sẽ là gánh nặng của gia đình và xã hội. Chi phí do TNTT gây ra khoảng 30.000 tỷ đồng giai đoạn 2005 – 2007, trong đó, chi phí cho TNTT trẻ em là 11.000 tỷ đồng.
Bộ GD&ĐT đã ban hành quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non có hiệu lực từ ngày 1/6/2010. Đây là công cụ để các cơ sở giáo dục mầm non tự đánh giá, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho trẻ, đồng thời là cơ sở để cơ quan quản lý đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục mầm non đạt tiêu chuẩn quy định về xây dựng trường học an toàn. Để được công nhận là trường học an toàn, mỗi cơ sở giáo dục MN phải bảo đảm 4 tiêu chuẩn: có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về công tác y tế trường học, được tập huấn để thực hiện tốt các hoạt động sơ cứu, cấp cứu tai nạn; môi trường xung quanh an toàn; giảm được các yếu tố nguy cơ gây thương tích cho trẻ trong nhà trường; không có trẻ bị tử vong hay bị thương tích nặng phải nằm viện do tai nạn, thương tích xảy ra trong trường. |
Lập Phương