* Trả lời: Trước hết, nếu bạn cảm thấy bị quá tải cả về công việc lẫn sức khỏe thì bạn cần có ý kiến đề xuất với lãnh đạo nhà trường để được giải quyết thỏa đáng. Trường hợp cần thiết, bạn có thể kiến nghị với tổ chức công đoàn để quyền lợi của mình được đảm bảo chính đáng.
Ngoài ra, chúng tôi xin được viện dẫn các văn bản quy phạm pháp luật sau để bạn tham khảo và có cơ sở đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường.
Cụ thể: Theo Điều 25 Nghị định số: 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ quy định: Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc người đứng đầu đơn vị sử dụng viên chức chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức, bảo đảm các điều kiện cần thiết để viên chức thực hiện nhiệm vụ và các chế độ, chính sách đối với viên chức.Việc phân công nhiệm vụ cho viên chức phải bảo đảm phù hợp với chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý được bổ nhiệm và yêu cầu của vị trí việc làm.
Còn tại Điều 1 Nghị định số: 110/2004/NĐ-CP ngày 8/4/2004 của Chính phủ “Về công tác văn thư”, có nêu: Nghị định này quy định về công tác văn thư và quản lý Nhà nước về công tác văn thư; được áp dụng đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và đơn vị vũ trang nhân dân.
Công tác văn thư quy định tại Nghị định này bao gồm các công việc về soạn thảo, ban hành văn bản; quản lý văn bản và tài liệu khác hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức; quản lý và sử dụng con dấu trong công tác văn thư.
Mọi ý kiến thắc mắc về chế độ chính sách đối với nhà giáo, bạn đọc gửi về chuyên mục Hộp thư bạn đọc - Báo Giáo dục & Thời đại: 29B, Ngô Quyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Email: bandocgdtd@gmail.com.