Dưới đây là một số mẹo nhận biết rau củ Việt Nam và Trung Quốc:
Tỏi
Kích thước
Tỏi Việt Nam hay còn gọi là tỏi ta thường có củ nhỏ, kích thước các củ không đồng đều, khi lột bỏ cuống thì các tép nhỏ và chụm lại. Tỏi ta cũng khá khó bóc vỏ và mùi thơm rất đặc trưng, ít cay nồng. Đặc biệt, loại tỏi Lý Sơn thường có củ nhỏ với vỏ màu trắng, còn tỏi Đà Lạt thì có lớp vỏ ngoài màu tím nâu...
Tỏi Việt Nam có kích cỡ nhỏ và rất thơm. Ảnh: elinerfood
Còn tỏi Trung Quốc củ thường to tròn, kích thước khá đồng đều, vỏ ngoài màu trắng hơi ngả vàng có vẻ láng bóng, các tép tỏi to đều, trắng bóng và hơi xòe ra, lớp vỏ mỏng, rất dễ bóc và có vị hăng, the chứ không thơm. Do đó, khi bóc bỏ cuống, nếu thấy các tép tỏi xòe ra thì đó là tỏi Trung Quốc, còn nếu các tép tỏi chụm lại thì đó là tỏi ta (tỏi Lý Sơn hoặc tỏi Đà lạt).
Mùi vị
Tỏi Trung Quốc thường có vị hăng, the, không có mùi thơm, còn tỏi Lý Sơn hoặc tỏi Đà Lạt thì có mùi thơm dễ chịu và vị cay nồng đặc trưng.
Cà rốt
Kích thước
Hầu hết các loại rau củ quả nhập từ Trung Quốc sang đều được chăm bón bằng chất kích thích nên kích thước to hơn hàng nội địa. Và do được chọn lựa để xuất khẩu nên các củ có kích thước to rất đều nhau. Trong khi đó, một chùm cà rốt Việt Nam thường có các củ to nhỏ không đồng đều.
Phân biệt cà rốt ta và cà rốt Trung Quốc. Ảnh: cooky.vn
Màu sắc và hình dạng
Cà rốt Việt Nam có màu cam nhạt, củ dài, da sần còn cà rốt Trung Quốc có màu sẫm hơn (thường là cam sẫm, gần như đỏ), da láng bóng. Thường thì cà rốt Việt Nam vẫn còn rễ bao quanh củ và cuống lá còn nguyên. Còn cà rốt Trung Quốc không có rễ (do vận chuyển lâu rễ đã rụng hết), cuống lá được tỉa gọn hoặc cắt sạch sẽ.
Khoai tây
Vỏ khoai tây Đà Lạt mỏng hơn nên thường bị trầy xước nhiều ngay khi thu hoạch và trong quá trình đóng hàng, vận chuyển. Khoai tây Trung Quốc có kích cỡ củ rất đều, gần như tuyệt đối 10 củ như một, củ thường dài hơn khoai tây Đà Lạt, vỏ khoai trơn bóng, ít trầy xước.
Khoai tây Việt Nam và Trung Quốc. Ảnh: news.zing.vn
Một đặc điểm nữa để nhận biết là giống khoai của Trung Quốc có mắt ở củ to hơn khoai Đà Lạt. Ruột khoai Trung Quốc cũng trắng hơn khoai nội địa.
Gừng
Gừng ta củ nhỏ, da sần sùi, chia làm nhiều nhánh, nhiều đường vân, có bám đất xung quanh.
Gừng Việt Nam và Gừng Trung Quốc. Ảnh: cooky.vn
Gừng Trung Quốc thường không dính đất, củ to, tròn, da trơn láng, mịn màng, thân mọng nước, ít đường vân, rất dễ bóc vỏ.
Cà chua
Việt Nam sở hữu rất nhiều giống, nhiều loại cà chua vì thế việc phân biệt các giống, các loại cà chua có vẻ rất khó khăn, song nếu đểu ý kỹ bạn sẽ thấy cà chua Trung Quốc to, bóng, đều, không có cuống vì sử dụng chất bảo quản.
Cà chua Trung Quốc to, bóng, đều. Ảnh: healthflexhhs
Những giống cà chua Việt Nam khi đưa ra thị trường thường tươi, còn cuống, độ đồng đều không cao .
Hành Tây
Hành tây Trung Quốc
Có vỏ bóng, ít sần sùi, độ đồng đều cao hơn hành tây Đà Lạt. Khi cắt củ hành ra có màu trắng hơi xanh.
Hành Tây Việt Nam và Trung Quốc. Ảnh: cooky.vn
Hành tây Đà Lạt
Có củ to, vỏ lụa ngoài màu trắng, dễ trầy xước, khi cắt củ hành ra thì màu trắng.
Bắp cải
Bắp cải Trung Quốc
Trái nhỏ, hình tròn, lá bao bên ngoài màu xanh đậm, lá cuốn không chặt, rất dễ bóc, khi cắt đôi ra các lá không bó sát vào nhau, kết cấu rất lỏng lẻo.
Bắp cải Đà Lạt có trái to, hình tròn dẹp. Ảnh: medicalnewstoday
Bắp cải Đà Lạt
Trái to, hình tròn dẹp, lá bao bên ngoài có màu xanh nhạt, lá cuốn chặt, khó bóc, khi cắt đôi ra các lá bó sát vào nhau, kết cấu rất chặt chẽ.