Phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát quyền lực

GD&TĐ - Phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Quyền lực luôn có nguy cơ bị "tha hóa", tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, cho nên phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng ngày 25.6,2018
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng ngày 25.6,2018

1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật

Tổng Bí thư cho biết, thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và 35 nghìn đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với nhiều cán bộ cao cấp và tổ chức đảng vi phạm, trong đó có cả đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị; kỷ luật cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả trong lực lượng vũ trang; làm nghiêm từ trên xuống dưới,...

Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng tổ chức ngày 25.6.2018
 Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng tổ chức ngày 25.6.2018

Theo Tổng Bí thư, đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, nhất là các dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 170 nghìn tỉ đồng, hơn 12 nghìn ha đất; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 300 văn bản quản lý nhà nước không còn phù hợp trên các lĩnh vực; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân sai phạm, chuyển gần 200 vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức 31 Đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế tại 63 tỉnh, thành phố. Qua kiểm tra, giám sát đã kiến nghị chỉ đạo xử lý 452 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.

Tại một số địa phương, cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến trong công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều cán bộ, đảng viên có sai phạm liên quan đến tham nhũng, kể cả những đồng chí trong ban thường vụ, thường trực cấp ủy; tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" đã bước đầu được khắc phục tại một số địa phương (điển hình như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Sơn La, Đăk Lăk, Cần Thơ,...).

Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà một trong những nguyên nhân dẫn tới tồn tại hạn chế là do chúng ta “chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát chặt chẽ quyền lực; công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm thực hiện, nên dễ dẫn đến việc lạm quyền để trục lợi; chế độ trách nhiệm, chế độ công vụ chưa rõ ràng, cụ thể”.  

"Nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế"

Do đó, Tổng Bí thư yêu cầu trong thời gian tới cần tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng.

Tổng Bí thư cho rằng: Quyền lực luôn có nguy cơ bị "tha hóa", tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, cho nên phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn.

Do vậy, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, không bị "tha hóa"; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ có biểu hiện tham nhũng gây nhiều dư luận; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách và quan trọng hơn là phải ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nói một cách hình ảnh là phải "nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế".

Phải tăng cường giám sát việc sử dụng quyền lực của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, tăng cường giám sát trong nội bộ tập thể lãnh đạo; công khai quy trình sử dụng quyền lực theo pháp luật để cán bộ, nhân dân giám sát. Cán bộ lãnh đạo các cấp phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, công quỹ là của công cho nên một xu, một hào cũng không được chi dùng bừa bãi; công quyền là vì dân cho nên không được mảy may vì riêng tư; phải thật sự chí công vô tư, công tư phân minh, công trước tư sau, vì công mà quên tư; mọi việc đều xuất phát từ dân, vì dân.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ