Nằm trong lộ trình đổi mới
Năm 2013, trong số các kiến nghị đổi mới cách thức tuyển sinh ĐH, CĐ nhằm tháo gỡ bế tắc trong nguồn tuyển, Hiệp hội các trường ngoài công lập kiến nghị cho phép một số trường thực hiện phương án xét tuyển. Đến thời điểm này, đã có 4 trường chính thức gửi phương án tự chủ tuyển sinh về Bộ GD&ĐT xin được thực hiện trong năm 2013 này. Đó là các trường Đại học Phan Châu Trinh, Đại học Quang Trung, Đại học Yersin Đà Lạt và Đại học Trưng Vương (Báo GD&TĐ ngày 25/4 đã thông tin). Các trường này đều không tổ chức thi mà xét tuyển dựa vào kết quả học tập 3 năm THPT và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, có đối chiếu với điểm thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đã được Bộ GD&ĐT chủ trương thực hiện từ lâu, nằm trong lộ trình cho việc đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ. Cách đây hơn 3 năm, Bộ GD&ĐT cũng đã đề nghị một số trường đại học trọng điểm thí điểm thực hiện, nhưng chưa có trường nào đưa ra phương án tuyển sinh cho riêng mình. Năm ngoái, 10 trường khối Văn hóa – Nghệ thuật thí điểm xây dựng phương án tuyển sinh riêng, đã được Bộ GD&ĐT chính thức cho phép thực hiện trong năm 2013 này. Việc đề xuất phương án xét tuyển riêng của 4 trường ngoài công lập đang được đưa ra, nếu đạt hiệu quả như mong muốn, sẽ là lời giải hữu hiệu cho những bế tắc tuyển sinh của nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập thời gian qua.
Tăng cường mặt quản lý Nhà nước thông qua thanh kiểm tra Ảnh: Phan Hải |
Ủng hộ đề xuất phương án xét tuyển trong năm 2013 này, PGS.TS Ngô Kim Khôi – Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng GD (Bộ GD&ĐT) cho biết: Việc các đại học đề xuất phương án tuyển sinh, Luật Giáo dục Đại học đã cho phép. Bộ GD&ĐT hoàn toàn ủng hộ việc này, vấn đề đặt ra là phương án thực hiện thế nào cho hợp lý. Phương án xét tuyển được đưa ra phải đảm bảo nguyên tắc: Đơn giản, gọn nhẹ, hiệu quả; không phát sinh tiêu cực, đảm bảo khách quan, công bằng, công khai, minh bạch.
Xét tuyển có đảm bảo chất lượng?
Theo ông Văn Đình Ưng - Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, Đề án tuyển sinh riêng của các trường gửi lên Bộ xin phép thực hiện lấy tiêu chí xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp, kết quả học tập THPT có đối chiếu với thi tuyển sinh ĐH, CĐ để xét tuyển.
Nhiều chuyên gia cho rằng đây đều là những trường đang gặp khó khăn trong nguồn tuyển. Có thể hiểu là phương thức tuyển sinh của các trường này chỉ là xét tuyển chứ không tổ chức thi. Lo ngại đang được đặt ra là các phương án đề xuất xét tuyển của những trường này không căn cứ vào điểm sàn, có thể hiểu là các trường có thể xét tuyển thí sinh dưới điểm sàn quy định. Liệu đầu vào như vậy, chất lượng đào tạo có được đảm bảo để xã hội có chấp nhận hay không?
Lo ngại về chất lượng đầu ra không phải không có căn cứ, lâu nay chúng ta quen với việc “tự chủ” không đi kèm với “tự chịu trách nhiệm”. Như việc thực hiện quy chế “3 công khai” nhằm giám sát hoạt động của các trường không phải trường nào cũng thực hiện nghiêm. Cũng đã có không ít trường sai phạm trong thực hiện quy chế tuyển sinh bị xử lý. Tuy nhiên, việc trao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường là điều cần làm, Luật Giáo dục Đại học đã cho phép các trường được thực hiện việc này.
Bên cạnh những ý kiến còn băn khoăn về việc đảm bảo chất lượng đào tạo thì cũng có nhiều quan điểm ủng hộ việc này. Nhưng với một điều kiện đi kèm là các trường này phải cam kết thực hiện đúng như phương án tuyển sinh, nghiêm túc trong đào tạo với các cam kết quy định trong “3 công khai”. Ngoài ra cũng cần phải có các cơ chế giám sát chặt chẽ cũng như việc ràng buộc trách nhiệm phải được thực hiện nghiêm. Tất nhiên, vai trò giám sát của xã hội cũng phải được nâng cao hơn nữa.
Dĩ Hạ