Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý giáo dục và chính quyền địa phương

Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý giáo dục và chính quyền địa phương

(GD&TĐ) - Một thực trạng đang xảy ra hiện nay đó là nhiều phụ huynh đang ép con học phải học trước chương trình khi chuẩn bị bước vào lớp 1. Và chính điều này đang gây ra những bất cập. Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học để mong giải tỏa những thắc mắc cho đông đảo phụ huynh.

Ông Phạm Ngọc Định Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học
Ông Phạm Ngọc Định Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào trước thực trạng phụ huynh cho con 5 tuổi học chữ và học toán  trước khi vào lớp 1?

- Việc một số phụ huynh cho con học trước chương trình lớp 1, cụ thể là tập viết, tập đọc và tính toán là “ép” trẻ phải thực hiện hoạt động quá sức với lứa tuổi các em. Những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do: Các bậc phụ huynh thương con quá lo lắng, muốn con mình biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1 cho đỡ vất vả; Bên cạnh đó, còn có một thực tế là có những phụ huynh dù không đồng tình với việc cho con học trước chương trình lớp 1, nhưng biết trẻ hàng xóm đi học trước lớp 1, con mình không đi học cùng, nên sốt ruột bắt con mình phải đi học để theo kịp các bạn; Cũng có phụ huynh kỳ vọng lớn vào con cái, nghĩ một cách đơn giản là cho con học trước, con sẽ có kiến thức và sự phát triển trí tuệ hơn bạn bè cùng trang lứa; Một số cô giáo do nhận thức chưa đúng về tác hại của việc dạy trước chương trình lớp 1, lúc đầu từ chỗ nhận trông giữ trẻ, sau dần cô tổ chức thành lớp dạy học trước lớp 1; Một số cô giáo lớp 1, khi nhận học sinh vào lớp 1, cũng gây tâm lý lo ngại cho phụ huynh qua việc hỏi đã cho con đi học trước chưa; Trong quá trình dạy ở lớp 1, ngay đầu năm cũng có cô giáo đã dùng điểm kém hoặc chê quá lời với học sinh chưa làm đúng yêu cầu của cô.

Trước đây số lượng phụ huynh cho con đi học trước lớp 1 không nhiều, nhưng gần đây do những lý do trên, nên số lượng này có xu hướng tăng tại các thành phố và những vùng có điều kiện về kinh tế. Việc cho trẻ đi học trước như vậy không những gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ mà còn gây ảnh hưởng đến cả hoạt động tổ chức dạy học của các giáo viên ở lớp 1.

Vậy điều không tốt cho trẻ đó là gì?

- Như chúng ta đều biết, trẻ sẽ học tốt nếu trẻ có niềm vui và sự hứng thú đối với việc học tập. Tâm lý học chứng minh: Muốn có niềm vui, hứng thú thì việc học ở trường mỗi ngày các em phải được khám phá những cái mới. Vì vậy, khi trẻ bước vào lớp 1 đã được biết do học trước còn đâu để khám phá sẽ khiến trẻ không còn nhiều hào hứng. Học trước, do cách dạy trẻ chỉ biết nửa vời, nhưng lại mang tâm lý chủ quan, láu táu vì coi mình đã biết rồi khi học cùng các bạn ở lớp 1 mà không cần học nữa, mà đã hấp tấp lại dẫn đến chểnh mảng, học qua loa, kết quả dần không chắc chắn, khi không chắc chắn lại dẫn tiếp đến kém dần sự tự tin.

Việc người lớn “ép” trẻ phải học đọc, viết và tính toán trước tuổi sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển hệ cơ, xương và thần kinh ở trẻ, gây ra những khiếm khuyết cho sự phát triển của trẻ. Đó là chưa kể đến việc nếu người dạy không có phương pháp sư phạm, trẻ dễ bị sai chuẩn mực về cách cầm bút, tư thế ngồi, cách viết chữ… Các giáo viên lớp 1 đều nói rằng những lỗi trên ở trẻ sẽ rất khó sửa khi các em học ở lớp 1. Và tất nhiên, kể cả khi trẻ được hướng dẫn đúng chuẩn mực thì như trên đã nói, việc học trước chắc chắn gây ra những ảnh hưởng không tốt đối với trẻ.

Trên thực tế Bộ GD&ĐT đã có những quy định gì đối với việc cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1?

- Hàng năm, trong văn bản Hướng dẫn nhiệm vụ năm học cấp Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rất rõ : “Không tổ chức dạy học trước và không thi tuyển học sinh vào lớp 1”. Văn bản này cũng quy định các trường tiểu học cần tổ chức "Tuần làm quen" đầu năm học mới đối với lớp 1 nhằm giúp học sinh thích nghi với môi trường học tập mới và cảm thấy vui thích khi được đi học. Bởi học lớp 1 là một bước chuyển giai đoạn của trẻ, trẻ chuyển từ hoạt động chủ đạo là hoạt động vui chơi ở mầm non sang hoạt động chủ đạo ở tiểu học là “hoạt động học tập”.

Ở lớp 1, các em được hình thành và phát triển các kĩ năng đọc, viết, tính toán theo mức độ từ thấp đến cao, bắt đầu từ những kĩ năng, thao tác đơn giản nhất, rồi dần dần dạy cho trẻ những thao tác, kĩ năng phức tạp hơn. Có thể lấy ví dụ như đối với kĩ năng đọc, viết, trẻ bắt đầu được học từ các thao tác đơn giản: thực hiện việc đọc (tư thế đọc, cách đặt sách vở, cách đưa mắt đọc, cách giữ khoảng cách giữa mắt với sách, vở…), thực hiện việc viết (tư thế ngồi viết, cách cầm bút, cách đặt vở,…) để trước hết, trẻ có tư thế đọc đúng, tư thế viết đúng, sau đó trẻ sẽ được học đọc và học viết.

Như vậy, các phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm khi trẻ học ở lớp 1 mà không cần phải cho trẻ đi học trước.

Không nên cho trẻ học trước mà nên tạo tâm lý thỏa mái vui vẻ khi trẻ học
Không nên cho trẻ học trước mà nên tạo tâm lý thỏa mái vui vẻ khi trẻ học

Việc trẻ bị ép học trước khi vào lớp 1 đã gây ra những bất cập trong xã hội. Vậy theo ông Bộ GD&ĐT cần có những giải pháp nào để có thể ngăn chặn hiện tượng này?

- Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản về việc chấn chỉnh tình trạng dạy học trước lớp 1. Theo đó: các cấp quản lý giáo dục cần phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền để nâng cao nhận thức của phụ huynh, cộng đồng có nhận thức đúng đắn về tác hại của việc dạy học trước lớp 1, đồng thời với việc hướng dẫn các bậc phụ huynh giúp đỡ trẻ chuẩn bị tâm thế đi học lớp 1; Quy định rõ trách nhiệm của giáo viên, hiệu trưởng, cán bộ quản lý giáo viên liên quan đến việc dạy trước lớp 1, vì dạy trước lớp 1 là vi phạm quy định về dạy thêm học thêm.

Các trường tiểu học công bố các giải pháp đảm bảo chất lượng của nhà trường đối với việc học của học sinh lớp 1, để phụ huynh yên tâm. Ưu tiên lựa chọn, đồng thời động viên khen thưởng giáo viên có kinh nghiệm, yêu trẻ dạy lớp 1. Tiếp tục đổi mới đánh giá, đối với học sinh lớp 1, giáo viên tuyệt đối không cho điểm (ngoài bài kiểm tra nghiệm thu chất lượng cuối năm), chỉ nhận xét động viên, khuyến khích, khen ngợi, ghi nhận sự tiến bộ hàng ngày ở mỗi hoạt động của từng học sinh, dù đó là sự tiến bộ nhỏ nhất, hướng dẫn tận tình để giúp học sinh cảm thấy tự tin và hứng thú với các hoạt động học tập, đặc biệt quan tâm đến những học sinh có khó khăn trong học tập, tuyệt đối không chê trách học sinh, không yêu cầu học sinh làm các bài tập vượt quá yêu cầu của chuẩn kiến thức kĩ năng đã được quy định.

Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, đôn đốc giáo viên thực hiện; Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu quy hoạch xây dựng các trường tiểu học tại địa phương, từng bước khắc phục số học sinh trên lớp quá đông, đáp ứng nhu cầu của học sinh trên địa bàn.

Cuối cùng mong các phụ huynh cùng chung tay, góp sức để ngăn chặn việc dạy trước lớp 1. 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Châu (Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ