Câu hỏi mang hàm ý khẳng định của PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh, thể hiện quan điểm ủng hộ Bộ GD&ĐT khi yêu cầu các trường phải làm đề án tuyển sinh riêng.
Không thể “ngại” làm đề án
Theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, xây dựng đề án tuyển sinh chỉ là bước để công khai với xã hội về việc tuyển sinh.
Nó là cần thiết và minh bạch, nhất là trong điều kiện nhu cầu học đại học nhiều hơn số chỗ có thể có của các ĐH.
Thêm nữa, đề án tuyển sinh chẳng phải là một cái gì quá khó với bất kỳ đại học nào.
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng đề án”
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng bày tỏ: Dự định của Bộ GD&ĐT trao quyền tuyển sinh cho các trường đã tạo một không khí mới trong tuyển sinh ĐH. Luật Giáo dục ĐH cho phép các trường tự tổ chức tuyển sinh. Hiện tại, các trường ĐH đang chuẩn bị đề án để tuyển sinh sau 2017.
Tuyển sinh là một trong những khâu quan trọng trong quá trình đào tạo, dù rằng kết quả đầu ra là đầu vào cộng quá trình đào tạo (cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện giảng dạy, chương trình, tài liệu học tập, kiểm tra đánh giá, người thầy...).
Để đầu vào với cách nhìn là kết quả học tập phổ thông (thực chất) đủ để người học có thể theo học mà một chương trình đào tạo đòi hỏi là cần thiết, nhất là với những quốc gia không giàu có như chúng ta.
Không nên tạo ra sự lãng phí xã hội bằng lập luận rằng: họ có tiền học thì cứ để họ học. Lập luận ấy chỉ đúng với việc các trường ĐH quản lý tốt quá trình tổ chức đào tạo.
Khi đó, những sinh viên không đáp ứng được quy định về đào tạo của trường thì không thể tốt nghiệp, thậm chí không được theo các chương trình đào tạo dài hạn lấy bằng cử nhân hoặc cao hơn.
Cứ cho mọi người đăng ký học chỉ có thể xảy ra khi các chương trình đào tạo chịu sự kiểm soát của xã hội, khi người học ý thức được việc học của mình và sự học không nhằm tới bằng cấp.
Khi kỳ thi (phổ thông hoặc ĐH) được bảo chứng thì các trường ĐH có thể lựa chọn kết quả kỳ thi ĐH hay kỳ thi phổ thông để tuyển sinh là việc làm bình thường.
Trong trường hợp như ở nước ta hiện nay, các trường có thể lên phương án tuyển sinh riêng, không phải chỉ là báo cáo và xin phép Bộ GD&ĐT, quan trọng hơn là họ phải chịu sự giám sát xã hội.
Các trường ĐH có uy tín bao giờ cũng lựa chọn được người học phù hợp (không muốn nói là giỏi) với những yêu cầu đào tạo, vì họ biết sản phẩm của họ là sống còn với một ĐH.
Điều này, các cơ quan kiểm định, xã hội phải lên tiếng mạnh mẽ với các ĐH tuyên bố đầu ra và sản phẩm đầu ra không đảm bảo đúng với tuyên bố của họ. Những ĐH như vậy sẽ bị đào thải trong quá trình phát triển.
Cân nhắc khối thi
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng cho rằng, việc quy định khối thi như hiện nay cũng có những điểm phải bàn:
Trước hết, chúng ta có 2 đợt thi tuyển sinh tuyển: Đợt 1 dành cho những thí sinh thi khối A, V (vừa rồi thêm khối A1) và đợt 2 cho tất cả các khối thi còn lại.
Tôi đã từng nghe nhiều phụ huynh phàn nàn rằng: Về cơ hội, các em thi đợt 2 chỉ có một lựa chọn vì đa phần các em chỉ có thể đăng ký, hoặc khối C hoặc khống D. Trong khi các em thi khối A có thể chọn thêm khối B, thậm chí khối C, hay D.
Nên xét về cơ hội tiếp cận, các em thi khối C chỉ có 1/2 cơ hội so với các em thi các khối khác. Chẳng hạn có thể thi khối A và B, A1 và B hoặc C, hoặc D. Rất hiếm là A hoặc A1 và C).
Tôi nghĩ, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã nhận ra điều này và đã yêu cầu các ĐH thay đổi trong ngay kỳ thi tới, chậm hơn là năm 2016 - 2017.
Việc phân chia các khối thi như hiện nay, về ý tưởng chúng ta đã chọn các môn học có liên quan đến việc phát triển nghề của sinh viên ĐH.
Tuy nhiên, đã có một thực tế là, cả những sinh viên đủ điểm tuyển vào ngành nào đó nhưng điểm môn thi của môn mà các trường kỳ vọng lại thấp.
Đơn cử từ thực tế: điểm xét tuyển vào khoa Văn của một trường X là 18 điểm. Sinh viên có tổng số điểm từ 18 trở lên thì đậu, nhưng có thể điểm thi môn Văn là 4 điểm, Sử 8 điểm, Địa lý 6 điểm. Tương tự, thí sinh được trúng tuyển vào ĐH mà điểm chuyên ngành của họ thậm chí dưới trung bình.
“Nhưng dù sao, chuyện chọn ngành học cũng là một lựa chọn tốt hơn là thi khối nào cũng tuyển được vào bất cứ ngành học nào” - PGS. TS Nguyễn Kim Hồng cho hay.